Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Cập nhật : 14:12 - 15/11/2023

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị: 05 quan điểm, 03 mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình, phương án huy động nguồn lực, các cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình.
Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm triển khai, cụ thể hóa các quyết sách tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Việc thực hiện Chương trình đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đạt được các kết quả chủ yếu như sau:
1. Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn:
a) Các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt trong năm 2022: Tăng trưởng GDP năm 2022 có mức tăng trưởng cao, đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 ; các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá: nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,36%, công nghiệp và xây dựng đạt 7,78%, dịch vụ đạt 9,99%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021 và tăng 15% so với năm 2019 (trước khi xảy ra dịch Covid-19). Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt tăng 11,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 46,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 231,5%. Tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1% so với năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%.
b) Sang năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp; hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột Nga - Ukraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng và cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… ; tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp, hàng rào bảo hộ tăng ; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực gia tăng; trong khi đó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gây hậu quả nặng nề tại một số quốc gia, khu vực . 
Trong nước, nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn, như tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực FDI ; các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ đang được xử lý nhưng để hiệu quả, dứt điểm cần thời gian; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn những bất cập, phân khúc nhà ở xã hội thực tế còn thiếu...; trong khi đó quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao , khả năng thích ứng và sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế
Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra, tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 cũng đã đạt được một số kết quả tích cực như đã thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn,…
c) Giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn: Chỉ tiêu nợ công đến cuối năm 2022 khoảng 43-44% GDP, dưới ngưỡng cảnh báo tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (55%), tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2022 là 2,79%. Lạm phát được kiềm chế, trung bình cả năm 2022 CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Thu NSNN cả năm 2022 bằng 126,4% dự toán và tăng 13,8% so với năm 2021, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Kim ngạch xuất khẩu đạt 371,7 tỷ USD, tăng khoảng 10,6%, nhập khẩu đạt 359,6 tỷ USD; cán cân thương mại xuất siêu 12,1 tỷ USD, là năm thứ 7 liên tiếp ghi nhận thặng dư cán cân thương mại hàng hóa; vốn FDI thực hiện ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Cân đối điện, xăng dầu, lương thực được bảo đảm.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 3,1% so với cùng kỳ, tạo điều kiện tập trung điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ thúc đẩy tăng trưởng. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm ; tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 69,4% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ do nhu cầu từ các thị trường tiêu thụ bị thu hẹp  nhưng có xu hướng hồi phục qua từng tháng. Tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, giải ngân đầu tư công ước đạt 42,1% kế hoạch, cải thiện đáng kể cả về tỷ lệ và số tuyệt đối . Hoạt động sản xuất kinh doanh có chuyển biến tích cực, khu vực dịch vụ hồi phục tốt . Các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm.
2. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân:
- Đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, thuế suất thuế giá trị gia tăng và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác trong phạm vi của Chương trình trong năm 2022 là 60.243 tỷ đồng, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.
- Đã gia hạn thời gian nộp các loại thuế, tiền thuê đất trong năm 2022 là 110.919 tỷ đồng, thông qua đó hỗ trợ chi phí cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 7,4 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh linh hoạt, chủ động sử dụng dòng tiền phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất với Nhà nước.
- Bên cạnh đó, trước tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Kết quả thực hiện các chính sách này trong năm 2022 ước khoảng 38.057 tỷ đồng.- Qua đánh giá tính khả thi, kết quả thực hiện, hiệu quả và sự cần thiết của chính sách, Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV cho phép tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng tương tự như quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 .
- Trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: (i) Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong thời gian gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng); (ii) Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong thời gian gia hạn khoảng 10,4 - 11,2 nghìn tỷ đồng); (iii) Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN 8 - 9 nghìn tỷ đồng); (iv) Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội; (v) Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN năm 2023 khoảng 3.500 tỷ đồng). Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 quy định giảm mức thu từ 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí (áp dụng từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023) nhằm cắt giảm chi phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng). Đến hết tháng 8/2023, tổng số tiền đã miễn, giảm khoảng 42,3 nghìn tỷ đồng ; gia hạn khoảng 82,5 nghìn tỷ đồng . Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng.
- Việc khẩn trương xây dựng, ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã giúp giảm các nghĩa vụ tài chính, giảm chi phí sản xuất, góp phần quan trọng giúp cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng trong năm 2022 và nửa cuối năm 2023 đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.
- Về giảm lãi suất cho vay: Trong gần 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9/2022, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu neo ở mức cao, đồng USD tăng giá mạnh, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh của Fed đã gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát, NHNN đã điều chỉnh tăng 0,8-2%/năm trong tháng 9 và 10/2022 . Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh . Trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, lãi suất tiền gửi và cho vay trong năm 2022 có xu hướng tăng so với cuối năm 2021 .
Việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong năm 2022 gặp nhiều khó khăn, thách thức do: (i) Các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn nhiều so với dự kiến tại thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ; (ii) Lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020; (iii) Tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn nên các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất để ổn định và thu hút thêm nguồn vốn; (iv) Đồng USD tiếp tục tăng giá gây áp lực lên lãi suất VND.
- Trong 8 tháng đầu năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ như: Khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi và cho vay; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất; phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay có dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ .
Trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình triển khai chủ trương giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do: (i) Các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; (ii) Áp lực lạm phát trong và ngoài nước ở mức cao; (iii) Mặt bằng lãi suất đã gia tăng trong năm 2022.
3. Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội:
- Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện hiệu quả. Đã kịp thời ban hành và tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tiêm vắc-xin, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bảo đảm kịp thời, khoa học, bám sát quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 
Đến ngày 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bao gồm ngân sách nhà nước là 186.400 tỷ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỷ đồng, trong đó đã huy động trên 11.600 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 để mua, nhập khẩu, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19; mua và tiếp nhận 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19, trong đó viện trợ, tài trợ gần 160 triệu liều, riêng viện trợ của Chính phủ các nước gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24.000 tỷ đồng.
- Đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Ngân sách trung ương đã hỗ trợ cho 59/60 địa phương  với tổng kinh phí 3.679,3 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt người lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi đến hết tháng 8/2023 đạt 20.347 tỷ đồng cho hơn 360 nghìn đối tượng khách hàng vay vốn, trong đó chính sách cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân 10.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã hỗ trợ lãi suất cho vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm là 2.390 tỷ đồng.

Tham khảo :
Báo cáo số 432/BC-CP của Chính phủ ngày 03/9/2023 Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và một số kiến nghị

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK