MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2023
Cập nhật : 14:08 - 15/11/2023

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia
Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ  luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập  Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 do 01 Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội. Trong đó, tại Trung ương thống nhất 01 đầu mối, thành lập duy nhất một Ban chỉ đạo trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thành lập trước đó  và có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời, đồng bộ. 
Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập 01 Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 24/2021/QH15, Điều 7 Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ  và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp.

2. Công tác hoàn thiện thể quản lý, tổ chức thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia
a) Kết quả ban hành văn bản tại Trung ương:
Thực hiện các Nghị quyết số 120/2020/QH14, số 24/2021/QH15, số 25/2021/QH15, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương đã ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm: 03 Nghị định của Chính phủ, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 21 Thông tư cấp bộ); 75 văn bản thông thường để quy định, hướng dẫn thực hiện các nội dung, dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm: 18 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 57 văn bản cấp bộ). Như vậy, đến thời điểm hiện tại, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo cơ sở pháp lý cho triển khai tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 
b) Kết quả ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của các địa phương:
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền, cụ thể: (1) Có 52/52 địa phương được hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã hoàn thành việc ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Có 46/63 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội; (3) Có 63/63 địa phương đã ban hành quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (4) Có 44/63 địa phương đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; (5) Có 61/63 địa phương đã ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 theo quy định.
c) Về xây dựng cơ chế thí điểm phân cấp theo Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội:
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 12 tháng 9 năm 2023, đã có 42 địa phương  báo cáo về nhu cầu thực hiện cơ chế thí điểm, trong đó có 38 địa phương không có nhu cầu thực hiện cơ chế thí điểm. Kết quả rà soát sơ bộ như sau:
- Đối với 38 địa phương không đề xuất cơ chế thí điểm với lý do:
+ Địa phương đã cơ bản hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm (bao gồm cả mức vốn theo dự án thành phần và danh mục dự án đầu tư công) theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư công. 
+ Nhiều địa phương đã lựa chọn phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục dự án đầu tư công theo quy định.
+ Đến cuối năm 2023, cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thành và được tổ chức thực hiện ổn định. Thời gian hoàn thành các mục tiêu của từng chương trình trong giai đoạn 2021-2025 không còn nhiều. Do vậy, việc phát sinh xây dựng cơ chế thí điểm sẽ mất thời gian cho công tác hoàn thiện thể chế, có thể làm chậm tiến độ triển khai thực hiện trong hai năm cuối của giai đoạn.
- Đối với nhóm các địa phương đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm: Các địa phương thuộc nhóm này bao gồm các tỉnh: Hà Giang , Tuyên Quang  và Lào Cai . Trong đó:
+ Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đề xuất cơ chế thí điểm phân cấp huyện (của 02 huyện: Bắc Quang và Xí Mần) được chủ động quyết định: (1) Điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các dự án thành phần thuộc các chương trình (bao gồm cả vốn đầu tư, vốn sự nghiệp) đã được cấp có thẩm quyền giao; (2) Điều chỉnh vốn sự nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia không có khả năng giải ngân hết kế hoạch giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cơ sở hạ tầng theo mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia (đặc biệt là đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới).
+ Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương được chủ động quyết định: (1) Danh mục dự án đầu tư, công trình sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện; (2) Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
+ Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chỉ đề xuất phân cấp cho cấp huyện (huyện Mường Khương) chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật; tuy nhiên, chưa làm rõ nội dung đề xuất về cơ chế phân cấp.
Như vậy, để xuất của các địa phương về cơ chế thí điểm nêu trên khác mặt bằng pháp lý hiện hành, hoặc chưa làm rõ nội dung cần thí điểm trong khi công tác giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương đã cơ bản hoàn thành. Do vậy, chưa đủ điều kiện để Chính phủ trình Quốc hội ngay trong tháng 9 năm 2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội và cần thêm thời gian nghiên cứu xây dựng, thẩm định kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu
a) Đối với kế hoạch vốn của năm 2021: Tổng kinh phí sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 đã giải ngân là 1.078 tỷ đồng, đạt 88,95% kế hoạch.
b) Đối với kế hoạch vốn của năm 2022: Đến 31 tháng 01 năm 2023, giải ngân vốn năm 2022 được khoảng 14.468,011 tỷ đồng, đạt 42,49% kế hoạch (trong đó: vốn đầu tư phát triển khoảng 12.933,106 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch; kinh phí sự nghiệp khoảng 1.534,35 tỷ đồng, đạt 7,82%).
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2023, các địa phương đã tiến hành các thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân khoảng 18.982,631 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022 còn lại. Đến 31 tháng 8 năm 2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài khoảng 6.225,657 tỷ đồng, đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (Tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 năm 2023 khoảng 19.158,763 tỷ đồng, đạt 79,82% kế hoạch năm 2022).
c) Đối với kế hoạch năm 2023: Kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023: Đến tháng 6 năm 2023 , kết quả giải ngân khoảng 1.131,044 tỷ đồng, đạt 5,33% kế hoạch. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023: Đến 31 tháng 8 năm 2023, kết quả giải ngân được khoảng 10.139,674 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch. 
d) Nếu tính tổng vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023): Đến 31 tháng 8 năm 2023, kết quả giải ngân đạt được khoảng 16.365,331 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch. 

4. Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ từng chương trình mục tiêu quốc gia
a) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
- Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao).
- Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: (1) Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 98,6%/100%; (2) Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 89.5% (vượt so với mức 70% mục tiêu kế hoạch giao); (3) Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 91,4%/100%; (4) Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 95,7%/100%; (5) Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 98,9%/99%; (6) Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94% (vượt so với mức 90% mục tiêu kế hoạch giao); (7) Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình đạt 94,9%/100%; (8) Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được nghe đài phát thanh đạt 94%/100%.
- Nhóm mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào: (1) Tỷ lệ hộ di cư không theo quy hoạch được sắp xếp, bố trí ổn định đạt 65,8%/90%; (2) Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí đạt 41,9%/60%.
- Nhóm mục tiêu về công tác giáo dục: (1) Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 94,9%/98%; (2) Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 98,6% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 97% giao); (3) Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường đạt 95,8% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 95% giao); (4) Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học phổ thông đến trường đạt 70,3% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 60% giao); (5) Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 92,1% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 90% giao).
- Nhóm mục tiêu tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: (1) Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đồng đạt 91,9%/98%; (2) Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt 90,6% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 80% giao); (3) Tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) đạt 79,8%/80%; (4) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đạt 15,8% (chưa đạt so với mục tiêu kế hoạch < 15% giao); (5) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt 21% (chưa đạt so với mục tiêu kế hoạch < 15% giao).
- Mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 52,7% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 50% giao).
- Nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc: (1) Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 92,8% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 80% giao); (2) Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên đạt 56,1% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 50% giao).
b) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững:
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%, giảm 1,17%, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg; đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
- Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% so với năm 2021, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg.
- Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%).
- Có 22/74 huyện nghèo đang được đầu tư theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
- Có 01 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; dự kiến cuối năm 2023 là 10 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đạt 18,5% (mục tiêu của Quốc hội giao là 30%).
- Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
c) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:
- Có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 04 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.
- Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
- Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới  (tăng 07 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 05 tỉnh (bao gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tham khảo:
1. Tờ trình số 444/TTr-CP về kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới
2. Các báo cáo số 100/BC-CP ngày 01 tháng 4 năm 2023, số 388/BC-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023, số 445/BC-CP ngày 12 tháng 9 năm 2023

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK