Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn
Cập nhật : 9:27 - 24/07/2023

1. Gắn kết xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị.

Mục tiêu “xây dựng nông thôn mới” không phải chỉ để tạo ra các hình mẫu để nông thôn cải thiện điều kiện sống mà mục đích chính phải là tạo ra động lực và mở ra cơ hội cho nông thôn phát triển theo kịp mức hiện đại hóa của đất nước. Đích đến cuối cùng là mức sống, điều kiện sống và làm việc của cư dân cả nước phải công bằng trong sự đa dạng và tiếp nối với truyền thống dân tộc. Với mục đích đó, nên phân chia nông thôn ra một số loại hình tương lai chính để quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Một hướng gợi ý như sau:

Tại các vùng ven đô, công nghiệp và dịch vụ mạnh, dân số đông thì mục tiêu phát triển nông thôn phải là xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn thành thành phố, nông dân thành thị dân. Tất nhiên, đô thị phát triển từ nông thôn phải là đô thị xanh: xây dựng thấp tầng, gắn với vườn và sinh cảnh, tránh “nhà ống hóa”, bê tông hóa.

Ở vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn nông nghiệp thì mô hình phát triển nông thôn nên hình thành các cụm dân cư thị trấn - thị tứ (township) phát triển lên từ các làng xã hiện tại để cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống văn minh và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho các trang trại. Các cụm dân cư tập trung này gắn liền với các vùng chuyên canh tổ chức sản xuất hàng hóa lớn như vùng trồng cây lương thực, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản, v.v. Cụm có thể tập trung gọn thành khu trên nền làng xã cũ như ở đồng bằng sông Hồng hay cũng có thể chạy dài theo kênh rạch và tập trung ở các điểm giao cắt giao cắt giao thông thủy như ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các vùng xa, vùng sâu, vùng sản xuất nông nghiệp đặc sản, địa phương có lợi thế văn hóa, lịch sử, cảnh quan, gắn với bảo tồn môi trường tự nhiên, phát triển du lịch thì nên xây dựng các khu dân cư tại địa bàn tập trung, an toàn, thuận lợi cho phát triển đời sống văn minh, để duy trì, phát triển văn hóa, cảnh quan làng - bản truyền thống. Đây là vùng phải ưu tiên phát triển và gìn giữ sắc thái nông thôn cổ truyền, từ kiến trúc đến cảnh quan.

2. Phát triển đô thị lớn gắn bó hài hòa với nông thôn và đô thị địa phương

Để hạn chế bớt xu hướng phát triển thành siêu đô thị, giảm tải cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cần phân cấp, điều chỉnh lại vai trò, giảm bớt các chức năng của một đô thị thông thường (sản xuất hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp và cư trú dân số dân cư lớn, cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống cho dân cư tại chỗ) để tập trung vào các chức năng quan trọng, có giá trị gia tăng cao (trung tâm hành chính nhà nước, hoạt động ngoại giao, tài chính quốc tế, trung tâm khoa học cơ bản,…). Trừ các khu vực phục vụ du lịch, cần bỏ bớt các nhiệm vụ sản xuất, kể cả của các thành phố thông thường như nông nghiệp đô thị, khu phố sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu công nghiệp công nghệ cao, các trung tâm dịch vụ đầu ngành như bệnh viện, đại học để chấm dứt cạnh tranh ngang với các địa phương xung quanh. 

Phát triển hệ thống giao thông lan tỏa từ trung tâm kết nối ra ngoại vi, kết nối đường sắt nội đô và ngoại thành, phát triển đường thủy, hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai, hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm, giãn bớt cư dân ra sống thoáng đãng, xanh đẹp hơn tại các đô thị vệ tinh. Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ đời sống chất lượng cao và đưa hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ ra các thành phố bên ngoài. Hà Nội hỗ trợ cho vùng trung du Bắc Bộ, thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho vùng Đông Nam Bộ.

Các vùng kinh tế xã hội đa dạng của Việt Nam cần hình thành các thành phố trung tâm làm trung tâm dịch vụ hậu cần toàn vùng nối với các thị trường lớn (sân bay, cảng biển nước sâu, đầu mối đường cao tốc, đường sắt với hệ thống kho tàng, bến bãi, sàn giao dịch); đồng thời là trung tâm khoa học công nghệ (viện nghiên cứu, đại học, dạy nghề) cung cấp giải pháp công nghệ, nhân lực chuyên gia cho các ngành sản xuất chính của vùng. Nếu Hải Phòng làm trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, Vinh/Thanh Hóa là trung tâm duyên hải Bắc Bộ, Đà Nẵng là trung tâm duyên hải Nam Bộ, Buôn Mê Thuột là trung tâm Tây Nguyên, Cần Thơ là trung tâm đồng bằng sông Cửu Long thì không chỉ Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng mà 4 vùng khác đều có điều kiện phát triển kinh tế. Đây phải là những thành phố “đáng sống” có hệ thống dịch vụ dân sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế với cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng cao thu hút cư dân cao cấp (doanh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia cao cấp) về sinh sống và làm việc lâu dài và thu hút khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ tạo điều kiện phát triển kinh tế tri thức ở các vùng kinh tế.

Các thành phố trung tâm vùng lại phân cấp chức năng cho các thành phố tỉnh và đô thị thấp hơn về hành chính, sản xuất, dịch vụ để đô thị hóa toàn quốc. Trong từng vùng, các khu công nghiệp đầu mối và trung tâm dịch vụ gắn sản xuất nguyên, vật liệu với lắp ráp sản phẩm tổng thành, kết nối thị trường. Các khu công nghiệp lớn (chế xuất, công nghiệp cao, công nghiệp chế biến chế tạo), dịch vụ lớn (trung tâm thể thao, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật) được bố trí ở thành phố trung tâm. Dịch vụ phục vụ đời sống phân cấp cho tỉnh (bệnh viện chuyên khoa, đại học tổng hợp, phức hợp văn hóa thể thao).

3. Đổi mới thể chế tổ chức là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất.

Kinh tế hộ gia đình hiện nay là lực lượng chủ lực của nền kinh tế quốc gia về đóng góp tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm cho lao động. Để mở đường cho nó tiếp tục vươn lên thành doanh nghiệp và giải phóng lực lượng lao động tài nguyên nhân lực khổng lồ của đất nước, con đường hợp lý nhất hiện nay là đặc biệt ưu tiên hỗ trợ phá triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Kinh nghiệm thế giới cho thấy hợp tác xã là tổ chức tốt nhất cung cấp dịch vụ hỗ trợ, mở đường tiến lên cho kinh tế hộ tự tích lũy phát triển nội lực, tạo đột phá để khởi nghiệp (Thông qua các hoạt động thông tin thị trường, bảo vệ pháp luật và xã hội, đào tạo, quyền đại diện, v.v) . Hầu hết lao động phi chính thức làm việc trong kinh tế hộ hoặc với cá nhân tự do. Chính thức kinh tế hộ thông qua việc hình thành các hợp tác xã sẽ chính thức hóa lực lượng lao động phi chính thức, cho phép nâng cao năng suất lao động, giải phóng thị trường đất nông nghiệp. 

Các hiệp hội doanh nghiệp cũng phải đổi mới để thực sự đóng vai trò đại diện cho các doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ phục vụ thành viên. Doanh nghiệp đầu tàu chế biến, lắp ráp thành phẩm, sử dụng sản phẩm trung gian của mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh gia công chi tiết xung quanh. Các doanh nghiệp vệ tinh lại liên kết sử dụng nguyên liệu, phụ liệu của doanh nghiệp cung cấp vật tư thiết bị đầu vào. Các hệ sinh thái doanh nghiệp tạo ra môi trường phát triển chuỗi giá trị chuyên ngành. Song song là các dịch vụ cung cấp điện, nước, xử lý môi trường, các cơ quan nghiên cứu khoa học, trung tâm đào tạo công nhân kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, v.v. phục vụ đời sống công nhân. 

Đổi mới tổ chức thể chế phải trở thành mũi đột phá cho đổi mới nguồn tăng trưởng. Doanh nghiệp lớn kết nối, dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò mở đường, dẫn dắt kết nối thị trường, phát triển khoa học công nghệ, sau đó nhường lối, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước có cơ hội phát triển thành lực lượng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. phát triển hợp tác xã làm đầu tàu để dẫn dắt phát triển kinh tế hộ. Đây cũng là quá trình đổi mới thượng tầng kiến trúc của đất nước trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phải đổi mới sang hướng kiến tạo, các tổ chức đoàn thể cần phát triển theo hướng cộng đồng hóa phục vụ nhân dân.

4. Ưu tiên phát triển đa dạng ngành nghề theo lợi thế không gian từng vùng, miền trong cả nước

Song song với việc phát triển công nghiệp chế biến chế tạo tại những vùng có lợi thế như Đông Nam Bộ, Trung du Bắc Bộ,… tại các vùng có lợi thế về nông nghiệp như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất vật tư, thiết bị, nguyên liệu đầu vào và chế biến nông sản đầu ra) gắn với các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu nông sản đảm bảo tiêu chuẩn thị trường. Xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần chuyên dụng (kho tàng, bến bãi, cảng biển, sân bay, chuỗi lạnh, v.v.) theo hướng đa dạng để phục vụ cả cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cả chăn nuôi và thủy sản. Đưa về đây các viện nghiên cứu và trường đại học, cơ sở đào tạo chuyên ngành. Đầu tư dứt điểm để hình thành hệ thống giao thông thủy nối với cảng nước sâu ở đồng bằng sông Cửu Long, đường cao tốc và đường sắt nối Tây Nguyên với cảng nước sâu ở ven biển Nam Trung Bộ, thay cho chuyển hàng qua thành phố Hồ Chí Minh và lên biên giới phía Bắc bằng xe tải như hiện nay. 

Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, cần gắn phát triển nông thôn với đô thị hóa. Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ của các ngành hỗ trợ như bệnh viện, trường học, các trung tâm văn hóa, hệ thống thông tin, tin học, v.v. gắn với các cơ quan nghiên cứu và đào tạo cao cấp. Như vậy có thể đảm bảo nâng cao thể chất, bảo vệ sức khỏe, phổ cập văn hóa và tay nghề chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Phát triển cộng đồng và tổ chức tốt nghiệp đoàn, hợp tác xã, phát triển các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ. Ngành dịch vụ phải phát triển từ phục vụ cư dân tại chỗ lên thành ngành kinh doanh thương mại. Chuyển từ các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt (y tế, giáo dục, du lịch, giúp việc nhà, chăm sóc người già, v.v.) sang phục vụ các nhu cầu kinh tế như ngành giao thông, vận tải (lái xe, thủy thủ, phi hành đoàn); nhà hàng-khách sạn (đầu bếp, phục vụ bàn); xây dựng (kiến trúc, thợ xây, thợ mộc), nông nghiệp, tin học, giải trí, v.v. Chuyển dần từ phục vụ thị trường trong nước sang xuất khẩu. 

Ở vùng Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long phát triển ưu thế kinh tế biển cần đi kèm các hoạt động công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ (công nghiệp đóng tàu, du lịch, vận tải biển, chế biến thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo, v.v.). Thiết lập các viện nghiên cứu kết hợp với các trường đại học về hải dương, thủy sản để tạo cơ sở khoa học công nghệ, dịch vụ phụ trợ để hình thành các cụm công nghiệp, trung tâm logistic trong bờ và các vùng kinh tế trên biển đảo, gắn chặt với nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Chuyển phần lớn ngư dân đánh bắt hải sản sang nuôi trồng hải sản và các nghề phi nông nghiệp, khôi phục lại rừng, sinh cảnh ven biển và đảm bảo trữ lượng thủy sinh tái tạo và phát triển vững bền. Vùng đồng bằng sông Cửu Long phải quản lý tốt khai thác nước ngầm, đưa nước ngọt ra phục vụ vùng ven, chấm dứt sụt lở bờ, tiến ra nuôi trồng, chế biến trên biển, nhất là vùng biển Tây không có bão. 

Hơn 30 năm trước, vào thời điểm thế giới bước vào giai đoạn bất định sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì nhờ chính sách đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam bất ngờ vươn lên sản xuất ra 24,4 triệu tấn thóc, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo cùng nhiều nông sản, giảm 2/3 thâm hụt thương mại, ổn định lại kinh tế vĩ mô. Vào thời điểm đó, nếu không có quyết sách về Khoán 10 đã được chuẩn bị từ Chỉ thị 100 trước đó 8 năm từng bước thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thì Việt Nam đã để lỡ thời cơ. Trong giai đoạn thế giới biến động hiện nay, nông nghiệp phải là nền tảng kinh tế xã hội, nông thôn luôn là lá phổi và không gian phòng vệ cho đất nước vững bền! và hơn thế nữa, nông dân phải đóng góp mạnh mẽ vào nguồn lực con người để đưa đất nước nhanh chóng vượt qua mức thu nhập trung bình, tiến lên hiện đại. Muốn vậy phải kiên quyết đổi mới mô hình tăng trưởng ngay từ hôm nay./.

TTBD
 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK