Thiếu định hướng dài hạn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai
Cập nhật : 16:11 - 27/12/2019

Công tác quản lý nhà nước về đất đai có một vị trí và vai trò quan trọng với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc quản lý nhà nước về đất đai đòi hỏi công tác quản lý cần hoàn thiện và đẩy mạnh hơn nữa sử dụng công cụ thị trường phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thực tế thị trường bất động sản đã có và hoạt động rất mạnh, nhưng chưa có thể chế rõ ràng, phát triển còn chậm chạp, tự phát thiếu định hướng. Với nhu cầu khách quan của việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất - một tài nguyên có hạn và không sản xuất được - đã thúc đẩy nhà nước phải ngày càng tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu đời sống của nhân dân. Và để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên quý hiếm này, năm 1993 Luật Đất đai được thông qua đã đánh dấu một bước ngoặt đáng kể trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Thông qua đó nhà nước đưa ra và thừa nhận các quyền của con người về đất đai: như quyền sử dụng đất đai, quyền thừa kế, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, cầm cố, góp vốn vào liên doanh…

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, trong những năm vừa qua, lĩnh vực quản lý đất đai vẫn còn phải đối diện với không ít thách thức. Cụ thể:
- Chiến lược về quản lý tài nguyên đất chưa được xây dựng và ban hành, do đó còn thiếu định hướng dài hạn trong quản lý đất đai. Còn thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất như: quy hoạch xây dựng, quy hoạch các khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư, hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới…Vì vậy, việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gặp khó khăn.
- Việc thực hiện quy hoạch còn chưa tốt, trong khi có nhiều ngành sử dụng đất với quy mô lớn nhưng chưa tuân thủ những quy định hiện hành hoặc thiếu những quy định ràng buộc dẫn đến tình trạng đất đai bị quanh bao, đầu tư dàn trải những hiệu quả sử dụng đất thấp, tình trạng lĩnh chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch hoặc chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Vẫn còn tình trạng quy hoạch treo, chậm triển khai các dự án đầu tư, gây lãng phí trong sử dụng đất, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.
- Sử dụng đất trong nông nghiệp vẫn còn manh mún; chính sách tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thừa chưa đạt được kết quả như mong đợi. Quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, bình quân diện tích đất hộ nông nghiệp chỉ vào khoảng 0,46 hécta và trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Ruộng đất manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.
- Quản lý đất đai còn biểu hiện không thống nhất, có biểu hiện buông lỏng hoặc chậm xử lý các vi phạm. Nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý hoặc lúng túng, chậm trễ trong việc xử lý tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Ở nhiều địa phương, việc xây dựng hạ tầng còn chậm, diện tích hoàn thành xây dựng hạ tầng còn thấp; việc cấp giấy chứng nhận cho người thuê, thuê lại đất để sản xuất kinh doanh cũng còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất. Ngoài ra vẫn còn nhiều khu công nghiệp thu hút đầu tư chậm, mức độ lắp đầy thấp, sử dụng đất còn lãng phí do quy hoạch không hợp lý hoặc do giá thuê đất gắn với hạ tầng quá cao.
- Thất thu ngân sách nhà nước với tiền thuê đất: Cả nước còn nhiều tổ chức kinh tế đang sử dụng đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất nhưng chưa chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật đất đai gây thất thu khá lớn tiền thuế đất hằng năm cho ngân sách.
- Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động còn yếu, trong đó, thị trường cho thuê đất phát triển kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp. Trên thực tế có trường hợp đã tích tụ, tập trung được đất đai nhưng vẫn chưa tổ chức sản xuất và khai thác sử dụng có hiệu quả đất đai, tình trạng không đưa đất vào sử dụng còn khá phổ biến. Việc điều tra, thống kê giá đất, xây dựng khung giá, xác định giá đất cụ thể, theo dõi biến động giá đất còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận những mặt tích cực mà công tác quản lý về đất đai đã đạt được trong thời gian qua. Phải kể đến là việc hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý đất đai đã đạt được một số kết quả quan trọng như: sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và tập trung đề suất các định hướng sửa đổi, bổ sung luật đất đai năm 2013; Chính phủ đã ban hành nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai; Nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; đề án đề xuất các giải pháp phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị số 01/2018/CT-TTg nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Theo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 của ngành Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nguồn lực, nguồn tài chính từ đất đai tăng mạnh, trong 11 tháng đầu năm 2017 là 92,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,65% thu ngân sách nội địa. Đã ra soát ranh giới được 32.193km (đạt 77,5% khối lượng cần thực hiện); cắm được 54.756 mốc (đạt 88 % khối lượng cần thực hiện), đo đạc, lập bản đồ địa chính 1.335.637/1.723.402 ha (đạt 95,1% khối lượng cần phải đo). 

Về tổ chức bộ máy, các địa phương đã tập trung rà soát, kiện toàn cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định tại thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV. Theo thống kê của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến hết năm 2017 đã có 61/63 tỉnh, thành phố ban hành mới các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường; 54/63 tỉnh thành phố thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp theo quy định, các tỉnh thành phố còn lại đều đã hoàn thiện đề án, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trong năm 2017, cả nước đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích khoảng 27.000 ha để phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giải quyết nhà ở cho nhân dân; khai thác đưa vào sử dụng hơn 10.000 ha đất chưa sử dụng; xử lý đưa vào sử dụng gần 78.000 ha đất của các dự án chậm triển khai. Nhiều địa phương cũng đang tích cực triển khai các mô hình tích tụ, tập trung đất đai.

Theo Báo cáo tình hình quản lý tài nguyên và môi trường 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước đã thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,2 % tổng diện tích các loại đất cần cấp (tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 3,3% so với năm 2016) với 3,7 triệu giấy chứng nhận lần đầu được cấp mới; Hoàn thành đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của 159/713 đơn vị cấp huyện, tăng 42 đơn vị so với cùng kỳ năm 2017. Việc thực hiện giao đất theo hình thức đấu giá đất đã tăng đóng góp nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước. 

Bên cạnh đó, cải cách hành chính trong cấp giấy chứng nhận đã có sự chuyển biến rất tích cực từ quy định đến quá trình thực thi; Cả nước có 237/700 đơn vị hành chính cấp huyện triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai làm nên tảng cho xây dựng chính phủ điện tử.

Về công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, trong giai đoạn 2012-2017, Bộ tài nguyên và môi trường cùng với chính quyền các cấp đã thực hiện hơn 1585 cuộc thanh tra, trong đó năm 2017 đã thực hiện 528 cuộc với tỷ lệ vi phạm chiếm 30% (Tổng kết bao cáo thanh tra ngành Tài nguyên và môi trường qua các năm), chủ yếu là các vi phạm như sử dụng đất không đúng mục đích, không sử dụng đất hoặc tiến độ thực hiện chậm so với tiến độ ghi trong dự án duyệt, cho thuê lại hoặc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chưa thực hiện thủ tục hành chính về đất đai...So với tỷ lệ vi phạm năm 2013 là 40,43% cho thấy lĩnh vực thanh tra, kiểm tra đất đai đã từng bước hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức, có nhiều đóng góp xứng đáng cho thành tích chung của ngành. 

Có thể nói kể từ khi đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến nay, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng dù có nhiều vấn đề đang đặt ra với công tác quản lý nhà nước. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất đai, các Bộ, ngành cần quan tâm chú trọng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, kiện toàn cơ cấu tổ chức, tăng cường áp dụng, phát huy hiệu quả các công cụ kinh tế, chế tài hành chính, cũng như đẩy mạnh áp dụng thành quả cách mạng 4.0 trong quản lý nhà nước. 

Tham khảo:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 của ngành Tài nguyên và Môi trường.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo Tình hình quản lý tài nguyên và môi trường 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2018.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng kết báo cáo thanh tra ngành tài nguyên và môi trường qua các năm 2012-2017.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK