Kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát mức tiêu thụ rượu bia
Cập nhật : 11:10 - 17/09/2019
Theo quy định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, để kiểm soát và phòng, chống tác hại của rượu bia thì có 3 phương án can thiệp hiệu quả nhất, đó là: quy định và thực thi nghiêm kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia; tăng thuế, giá rượu bia; và hạn chế tính sẵn có của rượu bia.

1. Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, quảng cáo rượu bia thúc đẩy quyết định sử dụng rượu bia lần đầu ở thanh thiếu niên và làm tăng mức độ tiêu thụ rượu bia ở những người đang sử dụng rượu bia. Việc hạn chế quảng cáo rượu bia sẽ làm giảm lượng tiêu thụ rượu bia, giảm tai nạn giao thông và gánh nặng bệnh tật do rượu bia. Theo nghiên cứu “Alcohol Advertising Bans and Alcohol Abuse: An International Perspective” (Cấm quảng cáo rượu, bia và lạm dụng rượu, bia: Cái nhìn quốc tế) của Henry Saffer, 1989 được tiến hành nghiên cứu và sử dụng số liệu của 17 quốc gia trong 13 năm, những nước cấm quảng cáo cả bia và rượu trên truyền hình và radio có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% so với những nước chỉ cấm quảng cáo rượu mạnh. 

Theo đó, chiến lược toàn cầu về kiểm soát đồ uống có cồn ở mức có hại đưa ra các khuyến nghị về biện pháp kiểm soát tiếp thị và quảng cáo rượu bia gồm:
- kiểm soát nội dung và mức độ quảng cáo;
- kiểm soát quảng cáo trên một số hay toàn bộ các phương tiện truyền thông đại chúng;
- kiểm soát các hoạt động tài trợ có tác động khuyến khích tiêu dùng (văn hóa, thể thao, nghệ thuật, âm nhạc…)
- kiểm soát các kỹ thuật và hình thức tiếp thị mới như mạng xã hội.

Chẳng hạn như ở Pháp đã có một số biện pháp để kiểm soát hình thức quảng cáo như: cấm toàn bộ quảng cáo trên các kênh truyền hình, rạp chiếu phim; cấm quảng cáo trên đài phát thanh từ 5 giờ chiều tới 12 giờ đêm; cấm quảng cáo trên ấn phẩm, trang internet hướng tới trẻ em và các trang internet thể thao; các nội dung quảng  cáo chỉ liên quan đến chất lượng sản phẩm như độ cồn, nguồn gốc, thành phần, phương pháp sản xuất, tên và địa chỉ nhà sản xuất.

Còn ở Úc, cấm toàn bộ quảng cáo rượu, bia, đồ uống có cồn trên các chương trình truyền hình dành cho trẻ em hay trong khung thời gian dành cho trẻ em; các nội dung quảng cáo không được chưa hình ảnh khuyến khích uống rượu bia, không sử dụng hình ảnh người trẻ.

Đặc biệt, hoạt động tiếp thị qua internet và bảo trợ các sự kiện thể thao và văn hóa đang xuất hiện như mối quan ngại lớn. Tiếp thị kỹ thuật số qua internet cung cấp cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh rượu bia trong việc khai thác tính tương tác với người dùng và giữa “người tiêu dùng đến người tiêu dùng” thông qua các tính năng cho phép người dùng đăng tải nhận xét, hình ảnh, bàn luận, chia sẻ với bạn bè về thông tin tiếp thị, hoặc thậm chí tự quảng cáo và tham gia vào quảng cáo do người dùng tự tạo. Điều này có liên quan đến mức tiêu thụ rủi ro cao hơn. Bởi quảng cáo trên internt và mạng xã hội làm suy yếu các quy định hạn chế tiếp thị rượu bia trên phương tiện truyền thống. Theo các nghiên cứu ở Mỹ ước tính tỉ lệ làm suy yếu là 62%.

Theo Cơ sở dữ liệu GISAH của Tổ chức Y tế thế giới được nghiên cứu vào năm 2016, 89 quốc gia có quy định kiểm soát quảng cáo rượu bia trên internet và mạng xã hội, trong đó có 28 quốc gia cấm toàn bộ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông này đối với cả bia, rượu vang và rượu mạnh, điển hình như Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Lào…

Có 4 quốc gia áp dụng quy định cấm bán đồ uống có cồn trên internet trên phạm vi toàn quốc hoặc ở một số tiểu bang, gồm Đài Loan, Nga, Ba Lan, Mỹ. Năm 2018, Thụy Điển tiếp tục đề xuất quy định nhằm cấm các nhà phân phối đồ uống có cồn trên internet ở các nước thuộc EU giao hàng cho người dân đang cư trú tại Thụy Điển.

Năm 2015, nhằm mục đích hạn chế giới trẻ tiếp xúc với quảng cáo rượu, Phần Lan trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở Bắc Âu cấm quảng cáo rượu bia trên phương tiện truyền thông mạng xã hội. Lệnh cấm bao gồm quảng cáo và khuyến mại rượu bia mà liên quan đến các trò chơi, xổ số hoặc cuộc thi; liên quan đến hoạt động dịch vụ mạng thông tin mà nội dung bằng ký tự hoặc hình ảnh do người dùng tạo ra hoặc bất kỳ nội dung nào được tạo ra bởi một người làm thương mại. Ví dụ: các cuộc thi và giải thưởng trên Facebook cho phép mọi người chia sẻ bài đăng trên trang Facebook của họ, hoặc sản xuất các video nhằm mục đích lan truyền trên các trang truyền thông mạng xã hội đều bị cấm.

Kể từ khi Phần Lan ban hành lệnh cấm này, một số quốc gia khác ở khu vực Bắc Âu đã làm theo. Theo Báo cáo toàn cầu về sử dụng rượu bia và sức khỏe của Tổ chức y tế thế giới, năm 2018, Litva ban hành lệnh cấm quảng cáo rượu bia toàn diện bao gồm cả phương tiện kỹ thuật số và Estonia đang xem xét các biện pháp tương tự. Ở Thụy Điển, sách trắng đã được trình lên Quốc hội về bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi quảng cáo trực tuyến.

2. Chính sách thuế và giá
Theo các nghiên cứu, tăng thuế sẽ làm tăng 10% giá rượu bia và có thể làm giảm khoảng từ 3% - 10% tiêu thụ rượu bia. Hiện nay, theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới năm 2018, 155 quốc gia (95%) trên thế giới đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia. Tại khu vực Đông Nam Á, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia được áp dụng ở tất cả các quốc gia. Trong đó, có 6 quốc gia hiện đang áp dụng thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, và chỉ có 4 quốc gia bao gồm Việt Nam còn đang áp dụng thuế tỷ lệ (Asean Pacific Tax Forum, 2013).

Rượu bia ở Việt Nam có giá rất phải chăng do thuế thấp. Theo Báo cáo của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) năm 2018, thuế đối với rượu bia ở Việt Nam còn thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều quốc gia khác, thuế dao động từ 40% đến 85% giá bán lẻ. Một nghiên cứu xuyên quốc gia cho thấy thuế đối với bia ở Việt Nam chỉ bằng 1/2 thuế đối với bia ở Australia, New Zealand và Thái Lan. 

Ở Việt Nam có thể tiếp cận rộng rãi với rượu bia. Chính phủ có một số quy định về cấp phép và hạn chế mật độ điểm bán rượu bia và tuổi hợp pháp để mua rượu bia. Tuy nhiên, những quy định này phần lớn không được thực thi, dẫn đến vấn đề đáng quan ngại là tình trạng uống rượu bia ở người chưa đủ tuổi (14-17 tuổi) cao. Thực trạng tiêu thụ rượu bia ngày càng tăng mạnh ở Việt Nam cần phải dừng lại, hoặc ít nhất là phải giảm tốc độ để bảo vệ sức khỏe con người. Việt Nam cần những công cụ lập pháp để phòng chống tác hại của rượu bia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chính phủ nên giảm khả năng chi trả của người mua bia và rượu bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Giảm số người trẻ tuổi tiếp xúc với rượu bia thông qua việc hạn chế quảng cáo rượu bia trên các phương tiện truyền thông. Giảm sự sẵn có của rượu bia bằng cách giới hạn thời gian, địa điểm và độ tuổi cho phép tiếp cận rượu bia. Tăng cường hơn nữa việc thực thi kiểm soát lái xe uống rượu bia.

Để thực hiện thành công luật này, kinh phí đầy đủ là rất quan trọng. WHO khuyến nghị luật nên bao gồm các điều khoản trích riêng một khoản kinh phí nhất định cho việc phòng ngừa tác hại của rượu bia.

Hiện ở Việt Nam chỉ có rượu mạnh và rượu vang độ cồn từ 15% trở lên mới bị cấm quảng cáo và khuyến mãi. Vẫn còn khoảng trống lớn trong việc kiểm soát tiếp thị bia và rượu độ cồn dưới 15%. Hiện nay không có quy định hạn chế quảng cáo bia. Bia và rượu/rượu mạnh gây tác hại như nhau khi quy đổi thành nồng độ cồn nguyên chất. Ngoài ra, không có quy định nào về tài trợ hoặc trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp bia.

3. Kiểm soát tính sẵn có
Kiểm soát tính sẵn có tức là có thể gồm các quy định điều tiết mật độ điểm bán rượu bia thông qua cấp phép; hạn chế thời gian được bán rượu bia (ngày, giờ); quy định độ tuổi được phép mua hoặc sử dụng rượu bia; và hạn chế uống rượu bia ở những nơi công cộng.

Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới năm 2018, 141 quốc gia (86%) áp dụng hệ thông scấp phép, trong đó khoảng một nửa (55%) có giấy phép đối với tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán lẻ và xuất khẩu. Hơn 50% quốc gia có quy định giờ bán đối với bia, rượu vang và rượu mạnh. Gần 1/3 quốc gia có quy định giới hạn ngày bán tại các cửa hàng bán rượu bia sử dụng tại chỗ và mang về. Và hầu hết các quốc gia có quy định kiểm soát sử dụng rượu, bia ở địa điểm công cộng.

Chẳng hạn như ở Thái Lan, Luật kiểm soát đồ uống có cồn có hiệu lực từ năm 2008 và sửa đổi năm 2015 quy định: 
- Đồ uống có cồn chỉ được phép bán từ 11 giờ sáng đến 2 giờ chiều và từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm mỗi ngày. Vi phạm quy định bị phạt tù dưới 6 tháng và/hoặc tối đa 10.000 bath.
- Cấm bán đồ uống có cồn cho: người dưới 20 tuổi và người đang say rượu. Vi phạm sẽ bị phạt tù dưới 1 năm và/hoặc tối đa 20.000 THB.
- Cấm bán đồ uống có cồn ở một số địa điểm công cộng. Vi phạm sẽ bị phạt tù 6 tháng và/hoặc phạt 10.000 bath.

Trong khi đó, một tạp chí về bia của Mỹ khẳng định "lấy được giấy phép kinh doanh bia là một trong những trải nghiệm kinh hoàng nhất của những người kinh doanh". Nhưng do lợi nhuận cao, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng chịu tốn kém tiền, thời gian để có được giấy phép. Ở Mỹ, việc sản xuất, mua bán rượu bia và các loại thức uống có cồn khác được quy định nghiêm ngặt, buộc nhà hàng, quán ăn và các cửa hiệu bán rượu bia phải xin giấy phép. Giấy phép kinh doanh rượu bia ở Mỹ có khi lên đến 14.000 USD, và để có giấy phép phải mất 5 - 6 tháng tùy vào loại giấy phép và tùy bang. Như bang New York, phí này ở mức 4.500 USD, còn California cần đến 13.900 USD. Chưa hết, doanh nghiệp phải gia hạn giấy phép 1-3 năm/lần, tùy bang, và phải đóng phí để được xét gia hạn.

Tài liệu tham khảo:
1. Henry Saffer, Alcohol Advertising Bans and Alcohol Abuse: An International Perspective” (Cấm quảng cáo rượu, bia và lạm dụng rượu, bia: Cái nhìn quốc tế), 1989.
2. Tổ chức Y tế thế giới, Cơ sở dữ liệu GISAH, 2016.
3. Tổ chức Y tế thế giới, Báo cáo toàn cầu về sử dụng rượu bia và sức khỏe của Tổ chức y tế thế giới, 2018.
4. Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Báo cáo gửi Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2018, 2018.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK