HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 12 – SỐ 3


Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về Quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước cho phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 32 Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: 
1. Cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện lập dự toán, chấp hành ngân sách, kế toán và quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Việc sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và trong phạm vi dự toán chi ngân sách được giao.
3. Mức chi quy định tại Nghị định này là mức tối đa để cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội lập dự toán chi cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi cụ thể nhưng không vượt quá mức chi quy định tại Nghị định này để thực hiện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
4. Đối với các khoản chi có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình không được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo nội dung chi, mức chi quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.
5. Đối với các khoản chi tiền bồi dưỡng cuộc họp, hội nghị, hội thảo đối với công chức, viên chức quy định tại các Điều 34, 35 và 41 Nghị định này chấm dứt khi thực hiện cải cách chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về chỉ hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục trong phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 33 Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, chỉ hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: 
1. Chi thông tin, truyền thông, giáo dục thông qua hình thức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
2. Chi thông tin, truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng: Nội dung và mức chi nhuận bút xây dựng bản tin, phóng sự, tọa đàm về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện theo quy định của Chính phủ về chi chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
3. Chi thông tin, truyền thông, giáo dục thông qua loa truyền thanh theo quy định của Chính phủ về chi nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
4. Chi sản xuất và phát hành băng rôn, panô, áp-phích, tranh cổ động: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ và quy định của pháp luật về đấu thầu.
5. Chi tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm tại cộng đồng:
a) Bồi dưỡng luyện tập chương trình mới: Tối đa 100.000 đồng/người/buổi; số buổi luyện tập tối đa cho một chương trình là 10 buổi;
b) Bồi dưỡng trong chương trình biểu diễn: Tối đa 300.000 đồng/người;
c) Bồi dưỡng người dẫn chương trình: Tối đa 500.000 đồng/buổi;
d) Chi xăng xe hoặc thuê phương tiện, chụp ảnh tư liệu, thiết bị, dụng cụ và các khoản thuê khác: Mức chi theo thực tế căn cứ vào hợp đồng, hóa đơn, chứng từ, giá thị trường tại địa phương và quy định của pháp luật.
6. Chi tổ chức chiến dịch truyền thông tại cộng đồng:
a) Chi xây dựng kịch bản: Tối đa 1.000.000 đồng/kịch bản;
b) Bồi dưỡng người dẫn chương trình: Tối đa 500.000 đồng/người/buổi;
c) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia chiến dịch truyền thông tại cộng đồng: Tối đa 100.000 đồng/người/buổi;
d) Biểu diễn văn nghệ theo quy định tại khoản 5 Điều này;
đ) Chi xăng xe hoặc thuê phương tiện, chụp ảnh tư liệu, thiết bị, dụng cụ và các khoản thuê khác: Mức chi theo thực tế căn cứ vào hợp đồng, hóa đơn, chứng từ, giá thị trường tại địa phương và quy định của pháp luật.
7. Chi biên soạn tài liệu mẫu để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình: Thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về Chi xây dựng, triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 35 Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, chi xây dựng, triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình:
- Chi nghiên cứu xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện theo quy định của pháp luật về nội dung và mức chi thực hiện các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá.
- Chi soạn thảo mô hình: Tối đa 20.000.000 đồng/mô hình.
- Chi cho người tham gia triển khai thực hiện mô hình: Mức chi theo thực tế số ngày tham gia, tối đa 100.000 đồng/người/ngày hoặc khoán chi tối đa 2.000.000 đồng/người/tháng.
- Các khoản chi khác thực hiện theo thực tế, căn cứ vào hóa đơn, chứng từ và theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về chi hoạt động tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 36 Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, bố trí, chi hoạt động tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: 
1. Chi hỗ trợ thiết lập phòng, bộ phận tư vấn: điện thoại, máy tính, thiết bị, vật tư thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Chi biên soạn tài liệu mới; chỉnh sửa, bổ sung cập nhật tài liệu phù hợp với nội dung tư vấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Chi thù lao cho nhân viên tư vấn theo chế độ hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc: Mức chi theo thỏa thuận dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền công.
4. Chi các khoản điện, nước, văn phòng phẩm, phô tô tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ, giá thị trường tại địa phương nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/tháng/cơ sở.


Cập nhật : 10:10 - 01/12/2023
In trang này Click here to Print it!