HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 12 – SỐ 2


Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về Trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp về phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 50 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: 
1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo thẩm quyền tại địa phương.
2. Bố trí kinh phí, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý theo quy định của Luật này.
3. Hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về Trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp?
Trả lời:
Căn cứ Điều 51 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, Trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp được quy định như sau: 
1. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình.
2. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên.
4. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Thực hiện công tác thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm của mình và gửi kết quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 52 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: 
1. Giám sát, phản biện xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình trong cơ quan, tổ chức mình và Nhân dân.
3. Kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có liên quan để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và quy định khác của pháp luật có liên quan; tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
4. Chủ trì, phối hợp phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật này.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 53 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: 
1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 52 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
2. Tư vấn, tham gia hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở; tổ chức thực hiện, kết nối, giới thiệu dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
3. Tổ chức hoạt động hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm hoặc hỗ trợ khác cho người bị bạo lực gia đình.
4. Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em.
6. Phối hợp tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình và gửi kết quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế trong phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 54 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, trách nhiệm của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: 
1. Tham gia giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
2. Vận động, ủng hộ nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Tham gia tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân cam kết không có hành vi bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.
4. Tham gia tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình.
5. Tiếp nhận, thu thập thông tin từ thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân và xã hội để phản ánh, kiến nghị, tư vấn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về bố trí, dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 31 Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, bố trí, dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: 
1. Ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ để chi cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Cập nhật : 10:08 - 01/12/2023
In trang này Click here to Print it!