Tin Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm” tại Hà Nội, ngày 20/11/2020

Sáng ngày 20/11/2020, tại trụ sở của Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm” nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm; cung cấp thông tin hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật có liên quan cũng như giám sát trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã.

Sáng ngày 20/11/2020, tại trụ sở của Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm” nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm; cung cấp thông tin hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật có liên quan cũng như giám sát trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.



Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu – ông Đặng Xuân Phương và Giám đốc Văn phòng Dự án tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam - bà Sarah Ferguson - đồng chủ trì tọa đàm. Tham gia buổi tọa đàm còn có khoảng 50 đại biểu, khách mời, bao gồm các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện đến từ một số cơ quan của Đảng, Chính phủ, cơ quan Quốc hội  (Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường…), Bộ Tài nguyên - Môi trường  (Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế… và các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.

Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu tiến bộ trong việc ban hành các công cụ pháp lý nhằm chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã. Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương khẳng định, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để từ đó tăng cường khả năng bảo vệ các loài động vật này.

Từ năm 1994, nước ta đã ký kết và trở thành viên của Công ước CITES. Đối với những hành vi săn, bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển hay mua bán, theo đánh giá của các đại biểu, pháp luật nước ta hiện nay đã có quy định rất chặt chẽ, cụ thể ở nhiều văn bản như Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp… Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nhằm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã. So với Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa về số lượng, khối lượng, giá trị tang vật hoặc mức tiền thu lợi bất chính nên đã tạo được thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hình sự và định khung hình phạt. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đối với một số tội phạm, trong đó có tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Điều này chứng tỏ thái độ hết sức nghiêm khắc của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.

Tháng 11/2016, cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi lần đầu tiên Việt Nam tiêu hủy 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác. Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị 29, chỉ đạo Bộ Tài chính cung cấp thông tin số liệu ngà voi, sừng tê giác đã được tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản; chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Đây là những hành động cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phòng chống việc buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, nhất là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, trước sự phức tạp của hình thức tội phạm này cùng với nhu cầu sử dụng vẫn đang có xu hướng gia tăng, vẫn còn đó nhiều thách thức trong công tác phòng chống và đấu tranh chống lại tội phạm về động thực vật hoang dã tại Việt Nam. Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng đã từng hoặc đang phải đối mặt với vấn nạn tương tự. Vì thế, việc nghiên cứu và phân tích những kinh nghiệm quốc tế để chọn lọc được những bài học phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của công tác bảo vệ động thực vật hoang dã tại nước ta.

Cuộc Tọa đàm tập trung vào thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về sự cần thiết và tính khả thi của việc ban hành Luật bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tọa đàm cũng đi sâu vào thảo luận vai trò quan trọng của các hoạt động truyền thông nhằm chấm dứt việc tiêu thụ động thực vật hoang dã bên cạnh sử dụng công cụ pháp lý.

Thảo luận về các nội dung cụ thể, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, từ đó khuyến khích người sử dụng thay đổi hành vi tiến tới ngừng tiêu dùng sản phẩm từ động vật hoang dã. Trong đó, cần có kế hoạch tuyên truyền liên tục, tạo dựng mối liên kết giữa nhà nước và người dân trong bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời, cần tuyên truyền tới từng cá nhân, từng cộng đồng bằng các phương tiện truyền thông đa phương tiện và các phương pháp tiếp cận trực tiếp. Tại cuộc tọa đàm, cũng có nhiều ý kiến kiến nghị Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử phối hợp cùng với tổ chức TRAFFIC tổ chức thêm các hoạt động liên quan, có thể lồng ghép trong các hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới.

Các nội dung thảo luận và khuyến nghị của các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ được thu thập và tổng hợp thành một tài liệu tham khảo để lưu giữ trong cơ quan Quốc hội và được sử dụng để thúc đẩy việc xây dựng một đạo Luật về bảo vệ động thực vật hoang dã hiệu quả trong tương lai và các biện pháp truyền thông nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã.


TTBD


[1] CITES (Conventionon International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora): Công ướcvề buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp

Cập nhật : 13:49 - 03/06/2021
In trang này Click here to Print it!