HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 3 – SỐ 4

Câu hỏi: Ban Kinh tế - xã hội của Hội đồng nhân dân cấp xã phụ trách lĩnh vực gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 108 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, Ban kinh tế - xã hội của Hội đồng nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, chính sách tôn giáo ở địa phương.

Câu hỏi: Quan hệ phối hợp công tác giữa các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 110 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, quan hệ phối hợp công tác của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như sau:
- Các Ban của Hội đồng nhân dân phối hợp công tác và trao đổi kinh nghiệm hoạt động về những vấn đề có liên quan.
- Ban của Hội đồng nhân dân cử thành viên tham gia hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân.
- Ủy ban nhân dân, cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề mà Ban của Hội đồng nhân dân yêu cầu.

Câu hỏi: Nội dung thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020 sửa đổi Điều 65 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nội dung thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án được hiểu là việc xem xét, cho ý kiến về:
- Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản;
- Nội dung của dự thảo văn bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; việc giao và chuẩn bị văn bản quy định chi tiết (nếu có);
- Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; 
- Tính khả thi của các quy định trong dự thảo văn bản;
- Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Việc bảo đảm chính sách dân tộc, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề dân tộc, bình đẳng giới;
- Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.
Việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án là việc quan trọng và cần thiết trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp xã cho ý kiến và xem xét, thông qua các văn bản này. Để tiến hành thẩm tra, cần tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến tham gia của những chuyên gia, những người am hiểu lĩnh vực mà nội dung nghị quyết, báo cáo, đề án đề cập. Những ý kiến đó phải được nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự thảo văn bản. Hoạt động thẩm tra càng được tiến hành kĩ lưỡng thì hiệu quả ứng dụng các quy định hoặc kết luận của nghị quyết, báo cáo, đề án trong thực tiễn càng cao, tránh lãng phí nguồn lực.
Thẩm tra Dự thảo nghị quyết, đề án là việc lần đầu tiên Hội đồng nhân dân cấp xã tiến hành, theo quy định trước đây, ở các nhiệm kỳ trước, không có Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã phát biểu ý kiến về dự thảo nghị quyết, đề án. 

Câu hỏi: Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 111 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã được tiến hành như sau:
- Từ khi Ủy ban nhân dân cấp xã dự thảo nghị quyết: Để chuẩn bị cho việc thẩm tra, Ban của Hội đồng nhân dân cử thành viên tham gia nghiên cứu dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày về vấn đề mà Ban thẩm tra; tổ chức họp lấy ý kiến của những người am hiểu về vấn đề đó; khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án.
- Ban tổ chức họp để thẩm tra dự thảo nghị quyết trước kỳ họp Hội đồng nhân dân. Việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án được thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Đại diện Ủy ban nhân dân trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình bày;
+ Đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan phát biểu ý kiến;
+ Các thành viên của Ban thảo luận;
+ Đại diện Ủy ban nhân dân trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án phát biểu ý kiến nếu thấy cần thiết;
+ Chủ tọa cuộc họp kết luận.
Báo cáo thẩm tra cần đánh giá về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019.
3. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020.

Cập nhật : 14:22 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!