CPTPP và những tác động trực tiếp đối với Việt Nam (Phần 1)


Ngày 8 tháng 3 năm 2018, Việt Nam cùng 10 nước gồm Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore chính thức ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố Santiago, Chile. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 sau khi được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 vào ngày 12 tháng 11 năm 2018.

Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên các nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cho phép các nước thành viên được tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành. Về lịch sử của CPTPP, cần nhắc lại lịch sử của TPP bắt đầu từ quá trình đàm phán của 4 quốc gia vào năm 2002. Việt Nam chính thức tham gia vào năm 2010, cho đến thời điểm kết thúc đàm phán năm 2016. Tháng 01/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP và 11 nước thành viên còn lại đã tiếp tục nỗ lực để thông qua một hiệp định mới là CPTPP.

CPTPP cũng như TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Hiểu một cách đơn giản: Toàn diện, thể hiện trên phạm vi điều chỉnh của CPTPP: bên cạnh các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do truyền thống như cắt giảm thuế quan, cắt giảm hàng rào phi thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, bảo hộ đầu tư, CPTPP mở rộng bao trùm hầu hết các lĩnh vực có liên quan đến sản xuất - kinh doanh như sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động, mua sắm công, phòng chống tham nhũng; Mức độ cam kết sâu, thể hiện qua cắt giảm thuế quan, giảm bớt rào cản thương mại, giảm bớt điều kiện đầu tư, mở cửa nhiều ngành dịch vụ nhiều hơn, phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn quốc tế hơn. Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, CPTPP có tác động toàn diện và mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:

1. Tác động về chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng
Việc phê chuẩn và thực hiện CPTPP thể hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, nâng cao nội lực đất nước trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh của thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên trường quốc tế; đặc biệt, việc tham gia CPTPP là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do khác. 

Nguyên tắc của CPTPP là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia của các nước thành viên. Đối với Việt Nam, vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam được các nước thành viên tôn trọng, Việt Nam cũng như mọi thành viên khác có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Do đó, trên lý thuyết, việc tham gia vào CPTPP không gây ảnh hưởng đến chính trị, an ninh của nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mở cửa các hoạt động kinh tế đi kèm với cải cách thể chế sẽ khó tránh khỏi bị những lực lượng chống đối lợi dụng cho mục đích chống phá, đặc biệt là trong các vấn đề lao động, phòng chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, an ninh thông tin hoặc lợi dụng các nhóm lợi ích dễ bị tổn thương trong xã hội.

2. Tác động đối với tổng thể nền kinh tế
Hiệp định TPP với khu vực thị trường chiếm tới 40% GDP toàn cầu có khả năng tạo ra một cú huých mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, trong điều kiện các yếu tố khác thuận lợi, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số các thành viên, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025, xuất khẩu tăng 68 tỷ USD vào năm 2025 so với kịch bản không có TPP .

Hiệp định CPTPP, thiếu đi thị trường Hoa Kỳ chỉ còn chiếm 13,5% GDP toàn cầu, cũng đem lại những lợi ích ở mức độ hạn chế hơn về kinh tế nhưng ngược lại cũng cho phép các nước thành viên có lộ trình dài hơn để thực hiện một số cam kết tiêu chuẩn cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi nước. Tháng 3/2018, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hoàn thành một nghiên cứu  mô phỏng các tác động chính của CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam, trên kịch bản cơ sở là Việt Nam không có thêm Hiệp định thương mại tự do mới, kết quả như sau:
- Về sản lượng chung của nền kinh tế: Tính đến năm 2030, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng 1,1% với giả định năng suất lao động không tăng (cao hơn so với mức độ tác động ước tính của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP là 0,4% nhưng thấp hơn tương đối nhiều so với TPP là 3,6%) hoặc có khả năng đạt 3,5% nếu năng suất lao động được kích thích tăng ở mức vừa phải;
- Về giá trị xuất nhập khẩu: Dự báo xuất khẩu sẽ tăng thêm 4,2% và nhập khẩu sẽ tăng thêm 5,3% (giá trị này lần lượt là 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng). Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP dự kiến tăng từ 54 tỷ lên đến 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu;
- Về thuế xuất khẩu: theo cách tính bình quân gia quyền (có xét tới tỷ lệ đóng góp của từng nhóm hàng), mức thuế bình quân áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường CPTPP dự kiến giảm từ 1,7% xuống còn 0,2%. Việc loại bỏ/cắt giảm hàng rào phi thuế quan đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dự kiến cũng góp phần giảm chi phí tương đương với trường hợp được giảm 3,6% thuế;
- Về tác động đối với các nhóm ngành: CPTPP dự kiến sẽ kích thích sản xuất, đem lại tăng trưởng sản lượng cao nhất cho các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may. Về xuất khẩu, dự kiến các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, hóa chất, hàng nhựa, thiết bị và phương tiện vận tải sẽ tăng cao nhất. Về nhập khẩu, dự kiến tăng ở toàn bộ các ngành;
- Về tác động xã hội: Đến năm 2030, CPTPP dự kiến giúp giảm số lượng người nghèo (xét ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày) đi 0,6 triệu người. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến được hưởng lợi và nhiều nhất là nhóm lao động trình độ cao.

Theo nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, các đánh giá định lượng về lợi ích của CPTPP đối với Việt Nam được tính toán theo hướng thận trọng hơn, cụ thể là:
- Về sản lượng chung của nền kinh tế: CPTPP giúp GDP của Việt Nam tăng 1,32% đến năm 2035. Nếu mở cửa thị trường dịch vụ thì mức tăng này còn cao hơn nữa là 2,01%;
- Về giá trị xuất khẩu, dự kiến tăng 4,04% đến năm 2035. Hiện nay, trong CPTPP, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia và nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản, Singapore, Australia. Mức thuế MFN (tối huệ quốc) của hàng Việt Nam tại các thị trường CPTPP vốn đã khá thấp (Canada 2,9%, Peru 2,7%, Chile 6%, Mexico 8%) nên việc tiếp tục giảm thuế của CPTPP có giúp kích thích xuất khẩu tuy nhiên không gây ảnh hưởng quá lớn. Theo thị trường, Việt Nam hiện có hiệp định thương mại tự do với 7/10 nước đối tác thành viên CPTPP, do đó sau khi CPTPP có hiệu lực, nước ta sẽ gặp phải thách thức về cạnh tranh từ 3 thị trường còn lại là Canada, Mexico, Peru. Trong năm 2017, Việt Nam xuất siêu vào Canada là 1,9 tỷ USD, xuất siêu vào Mexico là 1,8 tỷ USD và xuất siêu vào Peru là 213 triệu USD. Do đó, thách thức đến từ 3 thị trường này là không lớn;
- Về tác động đối với các nhóm ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính các ngành có mức tăng trưởng lớn nhất cũng giống với WB. Các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động khác cũng tăng trưởng bình quân 4-5% và tăng xuất khẩu 8,7-9,6%;
- Về đầu tư: Dự tính CPTPP không đem lại tăng trưởng nhiều trong việc thu hút đầu tư nước ngoài mà phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị khu vực, chiến lược của các doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách thu hút của các quốc gia xung quanh. Nguyên nhân chủ yếu là do Hoa Kỳ rời bỏ TPP, dẫn đến các nhà đầu tư mất đi cơ hội thông qua Việt Nam để xuất khẩu vào Hoa Kỳ;
- Về tác động xã hội: Dự kiến tạo ra thêm 20.000 - 26.000 việc làm/năm, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. 

(Còn tiếp)

Cập nhật : 16:25 - 03/01/2020
In trang này Click here to Print it!