Những rào cản phát triển đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (phần 3)


Với người dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau do tính dễ bị tổn thương kép với đặc thù vừa là phụ nữ, vừa là người dân tộc thiểu số, trong khi đa phần chính sách chưa coi phụ nữ dân tộc thiểu số là một nguồn lực quan trọng của sự phát triển, mang tính đặc thù đối tượng.

Những rào cản phát triển đối với phụ nữ dân tộc thiểu đã được chỉ ra sau đây (tiếp theo):

8. Tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em diễn biến phức tạp, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Trong 5 năm từ 2012 - 2017, số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3090 người, trong đó 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc; tỷ lệ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chiếm trên 90%; đa số thuộc các dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn . Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu bị bắt làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê, cưỡng ép hôn nhân... Từ năm 2018 đến 2019, cơ quan công an đã phát hiện tại Nghệ An có 25 trường hợp phụ nữ Khơ Mú mang thai bị rủ rê, lôi kéo sang Trung Quốc bán bào thai (Theo Báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An, tháng 1/2019).

Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai… Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện một số phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng trở về móc nối với một số đối tượng là người dân tộc Mông ở Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Lào để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép. Còn có cả trường hợp một số đối tượng xấu giả danh là công an, biên phòng trên mạng xã hội để kết bạn làm quen phụ nữ, hứa hẹn, sau đó lừa bán sang Trung Quốc.

9. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hệ thống chính trị còn thấp
Nữ cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 23,79% tổng số cán bộ công chức cấp xã vùng dân tộc thiểu số. Chỉ có 14,58% phụ nữ dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan Đảng, 13,25% làm việc trong hội đồng nhân dân và gần 25% làm việc tại cơ quan hành chính cấp xã ở các vị trí như văn thư, hành chính, kế toán, tài vụ. Một số dân tộc rất ít người như Cống, Mảng, La Hủ, Si La... chưa có đại diện nữ trong các cơ quan nhà nước. Như vậy có thể thấy tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số giữ các vị trí lãnh đạo có quyền quyết định chính sách tương đối thấp, phản ánh thực trạng bất bình đẳng giới trong tham gia xây dựng và thực hiện chính sách của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Trong Quốc hội khóa XIV có 131 đại biểu nữ/494 đại biểu (chiếm 27,01%); có 41 đại biểu nữ là người các dân tộc thiểu số, chiếm 32,3% tổng số đại biểu nữ . Bên cạnh đó, theo thống kê tại toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cả nước cho thấy, tỷ lệ cán bộ công chức nữ là người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, tổ chức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung và so với nam dân tộc thiểu số.

Như vậy, để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, rất cần thiết phải có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong những dự án cụ thể trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Để tăng cường hoạt động bình đẳng giới, nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025. Mục tiêu cụ thể của đề án phấn đấu 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và Người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng dân tộc thiểu số có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Ít nhất 50% cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện, xã có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống được tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách… 

Để công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đạt kết quả cao hơn, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, trong thời gian tới, cần xây dựng cơ chế phối hợp trong việc tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định, chính sách về cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số tham gia tập thể lãnh đạo, quản lý ở các cấp theo quy định. Xác định rõ vị trí, vai trò của cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, bản thân cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành tấm gương, những nhân tố điển hình, lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số …

Tham khảo:
1. Ủy ban Dân tộc, UN Women và Irish Aid, 2018, “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam năm 2015 và Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015”
2. Ủy ban Dân tộc, UN Women, 2016, “Các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”
3. UN Women, Ủy ban Dân tộc, 2015, “Tóm tắt về Tình hình phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam”
4. Ths Nguyễn Thị Bích Thúy, 2019, “Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam” trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, Nxb ĐHQG.
5. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010
6. PGS.TS Đặng Thị Hoa, 2019, “Những thách thức, rào cản phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển – Tổng quan thực trạng và hàm ý chính sách” trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, Nxb Đại học Quốc gia.

Cập nhật : 17:04 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!