Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Myanmar trong công tác bầu cử


Chuyến công tác của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã đi nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 27-29/6/2019.

Tại các buổi làm việc với Quốc hội Myanmar, hai bên đã trao đổi, tìm hiểu lẫn nhau những kinh nghiệm về đổi mới hoạt động lập pháp, cơ cấu tổ chức, hoạt động bầu cử và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan của Quốc hội hai nước...

1. Vài nét về Cộng hòa Liên bang Myanmar và Nghị viện Myanmar
Cộng hòa Liên bang Myanmar nằm ở Đông Nam Á, có biên giới chung với Trung Quốc (2.185 km), Lào (235 km), Thái Lan (1.800 km), Ấn Độ (1.463 km), và Băng-la-đét (193 km) và bờ biển dài 2.276 km với biển An-đa-man (Andaman) và Vịnh Ben-gan (Bengal), với diện tích 676.578 km², quy mô dân số hơn 53 triệu người. Thủ đô là Naypyidaw còn thành phố lớn nhất là Yangon.

Cơ quan lập pháp của Myanmar là Quốc hội mới thành lập từ năm 2011 (đến nay mới được hơn 8 năm). Quốc hội gồm Thượng viện - Amyotha Hluttaw (House of Nationalities) và Hạ viện - Pyithu Hluttaw (House of Representatives). Thượng viện có 224 đại biểu, trong đó có 168 đại biểu được bầu trực tiếp và 56 đại biểu được Tổng Tư lệnh lực lượng Quân đội chỉ định. Trong số 168 đại biểu được bầu trực tiếp có 12 đại biểu đại diện cho các vùng lãnh thổ. Hạ viện có 440 đại biểu, trong đó có 330 đại biểu được cử trực tiếp được phân bổ đều theo số dân của mỗi vùng lãnh thổ và có 110 đại biểu do quân đội giới thiệu và được chỉ định bởi Tổng Tư lệnh lực lượng Quân đội. Thượng viện và Hạ viện của Myanmar được bầu đồng thời trong cùng một thời điểm, nhiệm kỳ hoạt động là 5 năm. Phiên họp thường kỳ đầu tiên của Quốc hội phải được triệu tập trong vòng 15 ngày kể từ phiên họp đầu tiên của Hạ viện. Quốc hội họp ít nhất một phiên họp thường kỳ và các phiên họp tiếp theo phải được tổ chức trong vòng 12 tháng sau đó. Các phiên họp Quốc hội được coi là hợp lệ khi có ít nhất 25% số lượng thành viên Quốc hội có mặt.

Cơ quan hành pháp của Myanmar gồm có Tổng thống, các Phó tổng thống và các Bộ trưởng. Tổng thống được bầu bởi các thành viên của Quốc hội, với địa vị pháp lý là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính, lãnh đạo ngành hành pháp của chính phủ Myanmar. Tổng thống đương nhiệm là Win Myint, người giữ chức vụ từ ngày 30 tháng 3 năm 2018. 

Cơ quan tư pháp của Myanmar: theo Hiến pháp 2008, hệ thống Tòa án Myanmar gồm: Tòa án tối cao của Liên minh, Tòa án tối cao của khu vực, Tòa án tối cao của Nhà nước, Tòa án của Bộ phận tự quản, Tòa án của Khu tự quản, Tòa án quận, Tòa án thị trấn và các Tòa án khác được thành lập theo pháp luật được thành lập để thực hiện các công việc tư pháp.

Myanmar là nước theo chế độ Cộng hòa với 7 Bang (Shan, Chin, Kachin, Rakhine, Mon, Kayin, Kayah) và 7 Khu hành chính, tương đương bang (Yangon, Mandalay, Bago, Magwe, Ayeyarwady, Tanninthayi, Sagaing). 

2. Kinh nghiệm bầu cử của Myanmar và cơ quan phụ trách bầu cử
Các cuộc bầu cử tại Myanmar được tổ chức theo hình thức phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Tất cả các công dân từ 18 tuổi trở lên nếu không thuộc một trong các trường hợp là thành viên của các hội đồng tôn giáo (bao gồm thành viên của Hội Phật giáo), tù nhân, những người không đủ năng lực hành vi dân sự, những người đã bị kết án thì được lập danh sách cử tri để bầu cử Quốc hội. 

Các cuộc bầu cử do Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức. Việc bỏ phiếu là quyền của công dân nhưng theo pháp luật thì việc bỏ phiếu là không bắt buộc. Việc xác định người trúng cử đại biểu Quốc hội là người có số phiếu cao nhất. Theo Hiến pháp, cơ cấu đại biểu trong quân đội là 25% (110 đại biểu) ở cả hai viện mà không phải qua cuộc bầu cử.

Điều kiện để công dân ứng cử viên đại biểu Quốc hội trước là cử tri hợp lệ; có cả bố mẹ là công dân Myanmar; từ 30 tuổi trở lên; có ít nhất 10 năm liên tục sinh sống trong nước ngay trước cuộc bầu cử. Thời gian định cư tại nước ngoài với sự cho phép của Nhà nước sẽ được tính như thời gian định cư trong nước được các đảng chính trị giới thiệu hoặc tự ứng cử. Người ứng cử do các đảng chính trị giới thiệu ứng cử thì phải chi 300,000 kyat (300 đô la Mỹ) để đăng ký cho mỗi ứng cử viên do mình giới thiệu; người tự ứng cử phải tri trả 500,000 kyat (500 đô la Mỹ) để đăng ký ứng cử. 

Tuy nhiên nếu người ứng cử thuộc một trong các trường hợp sau sẽ không đủ điều kiện ứng cử, gồm: những người đang thụ án tại nhà giam hay những người đang trong thời gian bị điều tra; những người không đủ năng lực hành vi dân sự; những người bị tòa tuyên án không đủ điều kiện; những người có liên quan mật thiết tới chính phủ nước ngoài, là đối tượng theo dõi của chính phủ nước ngoài hay công dân nước ngoài; những người được hưởng các quyền lợi và ưu đãi theo chính sách đặc biệt hay công dân của chính phủ nước ngoài; những người làm việc cho các tổ chức nước ngoài; những người làm việc cho tổ chức thực hiện hoạt đồng chống phá, bằng diễn văn hay phát hành tuyên bố, quyết định bỏ phiếu trên cơ sở tôn giáo chính trị; các thành viên tổ chức tôn giáo; nhân viên cộng đồng; những người làm việc cho các công ty quốc doanh; những người đã phạm tội về bầu cử; thành viên các viện hay nghị viện khu vực.

Cuộc Tổng tuyển cử gần đây nhất của Myanmar được tổ chức vào ngày 08 tháng 11 năm 2015. Đây là kết quả của một kế hoạch cải cách lâu dài của chính quyền Myanmar trong việc thực hiện “Lộ trình 7 bước” triển khai từ năm 2003, cuộc tổng tuyển cử lần này được coi là bước cuối cùng trong lộ trình xây dựng đất nước. Bầu cử diễn ra ở tất cả các khu vực bầu cử, trừ các ghế do quân đội bổ nhiệm, để lựa chọn các nghị sĩ trong Thượng viện và Hạ viện Myanmar.

Cuộc bầu cử được tổ chức theo những quy trình nghiêm ngặt với sự tham gia của hơn 10.000 giám sát viên quốc tế và trong nước để bảo đảm việc tổ chức   bầu cử là tự do, công bằng cho khoảng 30 triệu người cử tri đi bỏ phiếu. 

Quốc hội Myanmar khóa mới họp Phiên đầu tiên từ 01/2 – 10/6/2016. Quốc hội Myanmar đã bầu ông Uyn Min (Win Myint) thuộc Đảng NLD làm Chủ tịch Hạ viện; bầu ông Ma Uyn Khai Than (Mahn Win Khaing Than) cũng thuộc Đảng NLD giữ chức Chủ tịch thượng viện; bầu ông Aye Tha Aung làm Phó Chủ tịch Thượng viện; bầu ông Tin Chô (Htin Kyaw) làm Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar; ông Min Suề (Myint Swe) là Phó Tổng thống thứ nhất; ông Hen-ry Van-Thi-o (Henry Van Thio) là Phó Tổng thống thứ hai. Ngày 30/3/2016, Tổng thống và 02 Phó Tổng thống mới cùng toàn bộ nội các Myanmar đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội, chấm dứt quá trình chuyển giao quyền lực kéo dài 144 ngày kể từ tổng tuyển cử tháng 11/2015. Hầu hết thành viên nội các mới của Myanmar và thủ hiến vùng/bang đều là người của Đảng NLD. 

Thành phần của Quốc hội: Mỗi đảng có 3 đại biểu tham gia tranh cử hoặc tự ứng cử, nhưng phải được sự đồng ý của Đảng.

Cập nhật : 16:27 - 27/12/2019
In trang này Click here to Print it!