Kinh nghiệm quốc tế trong chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 (phần 2)


Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phần 1 của bài viết đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phần tiếp theo của bài viết sẽ nghiên cứu các chính sách của Đài Loan và Thái Lan. Những kinh nghiệm này sẽ giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn mục tiêu: “… phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.”

3. Đài Loan:
Trong Năng lực sản xuất 4.0, “Productivity 4.0”, chính quyền Đài Loan đặt mục tiêu tăng cường phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mục tiêu cụ thể là tăng GDP bình quân đầu người của ngành công nghiệp chế tạo lên 1o triệu nhân dân tệ vào năm 2024 (tăng 60% so với năm 2014). Với nền tảng của máy móc chính xác và công nghệ thông tin khá phát triển, Đài Loan đang triển khai Đề án năng lực sản xuất 4.0 để hiện thực hóa máy móc thông minh, tiến tới nền công nghiệp sản xuất thông minh, nông nghiệp 4.0 và kinh doanh 4.0.

Theo đó Khung chính sách quốc gia về công nghiệp 4.0 của Đài Loan gồm các bước như sau:
- Bước một: Tối ưu hóa hệ thống sinh thái chuỗi cung ứng thông minh của 5 ngành công nghiệp hàng đầu.
- Bước hai: nuôi dưỡng các liên doanh mới.
- Bước ba: xúc tiến các hoạt động tại địa phương.
- Bước bốn: hình thành năng lực tự phát triển và các công nghệ làm thay đổi cuộc chơi.
- Bước năm: nuôi dưỡng nguồn nhân lực tài năng có kinh nghiệm.
- Bước sáu: ủng hộ ngành công nghiệp với các chính sách ưu đãi.

Chính quyền Đài Loan định hướng tập trung ứng dụng 7 công nghệ 4.0 gồm: robot; Internet vạn vật (IoT); Dữ liệu lớn (Big data); Hệ thống thực ảo (CPS); học máy; sản xuất đắp lớn 3D và cảm biến (Sencor) để thực hiện công nghiệp hóa bằng các máy móc thông minh và công nghiệp sản xuất tăng cường máy móc, thiết bị thông minh. Để đạt mục tiêu đẩy mạnh năng lực cạnh tranh toàn cầu, chính quyền Đài Loan tập trung vào bốn mũi nhọn gồm: cụm công nghiệp tập trung; môi trường đầu tư thuận lợi; sản xuất linh hoạt và thương mại hóa nhanh chóng; hậu cần sản xuất đầy đủ.

4. Thái Lan: “Thailand 4.0”
Thái Lan 4.0 là mô hình phát triển kinh tế nhằm mục đích chuyển đổi nền kinh tế của Thái Lan hướng tới một nền kinh tế dựa trên giá trị được thúc đẩy bởi sự đổi mới sáng tạo. Mô hình thực hiện theo các hướng của Chiến lược quốc gia 20 năm bằng cách xây dựng sức mạnh từ bên trong và kết nối đất nước với cộng đồng toàn cầu phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Thái Lan 4.0 mở đường cho đất nước thoát khỏi những mô hình phát triển trước đây, tập trung vào nông nghiệp (Thái Lan 1.0), công nghiệp nhẹ (Thái Lan 2.0) và công nghiệp tiên tiến (Thái Lan 3.0). Mô hình này sẽ tập trung vào:
Một là, tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo, mở mang kiến thức, công nghệ và sáng tạo để mở khóa bẫy thu nhập trung bình;
Hai là, tạo dựng an sinh xã hội để đất nước đi về phía trước mà không để lại bất cứ ai đứng sau để mở khóa bẫy bất bình đẳng;
Ba là, tạo ra tính bền vững thông qua phát triển thân thiện với môi trường để mở khóa bẫy mất cân bằng.

Mô hình Thái Lan 4.0 nhấn mạnh tính toàn diện để đảm bảo tất cả các nhóm trong xã hội vẫn tham gia khi Thái Lan tiến gần hơn tới “xã hội 4.0”, nơi mỗi phân đoạn dân số thu được lợi ích kinh tế từ sự phát triển chung.

Mô hình Thái Lan 4.0 không đơn thuần hướng tới khát vọng phát triển công nghiệp tiên tiến. Bài học Thái Lan đã học được từ mô hình Thái Lan 3.0 là thương mại và đầu tư phải tiến bộ với sự đổi mới sáng tạo và công nghệ. Sự phát triển dựa trên nền công nghiệp nặng cuối cùng dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào các thị trường xuất khẩu, đó là một rủi ro kinh tế.

Các biện pháp được thực hiện Thái Lan 4.0 bao gồm: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo lao động kĩ năng cao; phát triển các cuộc công nghiệp và 10 ngành công nghiệp mũi nhọn; phát triển doanh nhân và mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo; tăng cường kinh tế trong nước thông qua cơ chế phát triển vùng và địa phương; tích hợp với ASEAN và kết nối Thái Lan với toàn cầu.

Ngoài năm ngành công nghiệp có từ trước Thái Lan 4.0 ưu tiên năm ngành công nghiệp mới gồm: 
- Ngành robot công nghiệp: robot cho ngành công nghiệp nhựa, công nghiệp ôtô, y tế và điện tử. Robot hỗ trợ dưới nước (Các phương tiện dưới nước được điều khiển từ xa);
- Hàng không và hậu cần (Logistics): Dịch vụ vận tải - Trung tâm dịch vụ logistics hiện đại - Bảo dưỡng, sửa chữa và sửa chữa hàng không (MRO) - Sản xuất các bộ phận hàng không (OEM) - Kinh doanh có giá trị cao với các sản phẩm nhạy cảm với thời gian;
- Y tế: Tư vấn, chẩn đoán sớm, sản xuất thiết bị theo dõi sức khoẻ
- Nhiên liệu sinh học và sinh hoá: Nhiên liệu sinh học thế hệ 2 - phát triển ngành công nghiệp sinh hoá, ngành kinh tế sinh học.
- Công nghệ số: Phần mềm doanh nghiệp và nội dung số, thương mại điện tử (bán - mua - thanh toán - giao dịch), khai thác dữ liệu người tiêu dùng và trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, bảo mật mạng, Internet vạn vật; thành phố thông minh, phương tiện tự lái,...

Tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
2. Ministry of Industry, Making Indonesia 4.0, 2018.
3. Ministry of ITI, National Industry 4.0 Policy Framework, 2017.
4. Smart machine and Productivity 4.0 in Taiwan: Now and Future, 2016.
5. Thailand Government, Thailand 4.0 Plan, 2017.

Cập nhật : 16:06 - 27/12/2019
In trang này Click here to Print it!