Kinh nghiệm quốc tế trong chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 (phần 1)


Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn mục tiêu: “… phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.”

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta nhận định: “… mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả”. Chính vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn mục tiêu: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.”

1. Indonesia:
Chính phủ Indonesia thành lập Uỷ ban công nghiệp 4.0 với sự tham gia các bộ, ngành và các cơ quan chính phủ. Chương trình "Making Indonesia 4.0" thiết lập 10 nhiệm vụ ưu tiên (bao gồm cải cách nguồn nguyên vật liệu; tái thiết vùng công nghiệp; phát triển bền vững; tăng năng lực cho doanh nghiệp SME; xây dựng hạ tầng quốc gia số; thu hút đầu tư nước ngoài; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thiết lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; khuyến khích đầu tư công nghệ; tối ưu hóa các quy định và pháp luật), 5 ngành ưu tiên ( gồm Thực phẩm và đồ uống, vải sợi và may mặc, ô tô, điện tử, hóa chất), cùng với tập trung phát triển hai lĩnh vực là công nghiệp và giáo dục. 

Mục tiêu đến năm 2030, Indonesia trở thành 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Những bước đi đầu tiên, Chính phủ Indonesia lựa chọn xây dựng nền tảng cho công nghiệp tương lai bằng cách điều tiết vĩ mô, chuẩn bị các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp, đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số, thương mại và dịch vụ điện tử. Trong 5 ngành ưu tiên, ngành thực phẩm và đồ uống định hướng ứng dụng các công nghệ IoT và Big data vào sản xuất và dịch vụ, còn lại 4 ngành không xác định rõ công nghệ 4.0 được áp dụng. 

Về cơ bản, Chương trình "Making Indonesia 4.0" của Indonesia như là kế hoạch  tổng thể phát triển công nghiệp vì lợi ích kinh tế và giải quyết việc làm, mục tiêu tạo ra 19 triệu việc làm vào năm 2030.

2. Malaysia:
Trong Khung chính sách quốc gia về Công nghiệp 4.0 - National Industry 4.0 Policy Framework, Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu ngành sản xuất đóng góp cao hơn, các sản phẩm giá trị cao hơn bằng cách chuyển đổi ngành công nghiệp sản xuất để nắm bắt ngành công nghiệp 4.0.

Chính phủ Malaysia chủ động tiến hành:
- Thứ nhất, thu hút các bên liên quan vào việc nuôi dưỡng công nghệ 4.0, tăng cường tham gia doanh nghiệp nhỏ và vừa và năng lực sản xuất ở địa phương.
- Thứ hai, tạo hệ sinh thái phù hợp cho ngành công nghiệp 4.0, phát triển hạ tầng số; 
- Thứ ba, chuyển đổi ngành nhằm tăng năng suất lao động, chi phí hiệu quả, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Khung chính sách quốc gia về Công nghiệp 4.0 của Malaysia với tầm nhìn, mục tiêu chiến lược và các trụ cột chính được vạch ra cụ thể. Trong tầm nhìn chiến lược 10 năm giai đoạn 2016 – 2026, chính sách quốc gia về công nghiệp 4.0 của Malaysia hướng tới 3 mục tiêu cụ thể: trở thành đối tác sản xuất thông minh và dịch vụ liên quan ở khu vực châu Á Thái Bình Dương; trở thành điểm đến của công nghiệp công nghệ cao; trở thành nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp công nghệ tiên tiến.

Để đạt được 3 mục tiêu ở trên, nhà nước Malaysia đảm nhiệm vai trò chủ trì và dẫn dắt sự chuyển đổi ngành công nghiệp sản xuất. Đồng thời, Nhà nước tác động trực tiếp vào 3 nhân tố quyết định gồm: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền sản xuất tiên tiến; đầu tư nuôi dưỡng và phát triển ngành công nghiệp 4.0 và từng bước cải thiện quá trình từ sản xuất đến kinh doanh.

Cùng phối hợp với khối doanh nghiệp, khối nghiên cứu và các đối tác nước ngoài, Chính phủ Malaysia thiết lập 5 trụ cột gồm: tài chính, hạ tầng, khung pháp lý, nhân lực và công nghệ và đảm bảo các nguồn lực cho việc thực hiện.

Tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
2. Ministry of Industry, Making Indonesia 4.0, 2018.
3. Ministry of ITI, National Industry 4.0 Policy Framework, 2017.

Cập nhật : 16:04 - 27/12/2019
In trang này Click here to Print it!