Hai mươi năm Ban Công tác đại biểu - Kế thừa, phát huy để tiếp nối hành trình phát triển
Cập nhật : 11:24 - 02/03/2023
Nguyễn Thị Thanh
Ủy viên BCHTW Đảng, Ủy viên UBTVQH
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương


Được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ban Công tác đại biểu, là dịp các thế hệ lãnh đạo Ban, công chức thuộc Vụ Công tác đại biểu và Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử qua các thời kỳ hội ngộ cùng nhau để nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển. Nhiều kỷ niệm, nhiều thành tựu được nhắc lại bằng những ngôn từ dung dị, chân thành của các đồng chí sẽ là những hồi ức đẹp, là nguồn tư liệu quý cho mai sau. 
Nhận nhiệm vụ tại Ban Công tác đại biểu trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 với vị trí đầu tiên là Phó Trưởng Ban Thường trực, đây là quá trình “thử việc” để tôi làm quen, thích nghi với công việc mới tại các cơ quan ở Trung ương, ở Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, tôi được tin tưởng giới thiệu để Quốc hội bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bổ nhiệm làm Trưởng Ban Công tác đại biểu. Khoảng thời gian gần 2 năm với cương vị Trưởng Ban, sự gắn bó về thời gian của tôi với Ban Công tác đại biểu chưa đủ dài so với rất nhiều đồng chí. Nhưng, sau mỗi nhiệm vụ hoàn thành, được gắn bó với các đồng chí cán bộ, công chức của Ban, đặc biệt nhận được sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự tin tưởng và tình cảm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quốc hội, tôi cảm nhận thấy trọng trách, vinh dự của Ban Công tác đại biểu, tâm huyết và tình cảm của tôi với Ban ngày càng lớn dần.
Nhân Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, là dịp để chúng tôi báo cáo với lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đồng chí về những kết quả trong hai năm 2021, 2022 trong hành trình xây dựng và phát triển của Ban.
Phát huy vai trò nòng cốt tham mưu, phục vụ công tác bầu cử 
Nhận nhiệm vụ làm Trưởng Ban Công tác đại biểu vào thời điểm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 bước vào giai đoạn cao điểm. Vượt lên những khó khăn thách thức từ ảnh hưởng từ đại dịch Covid - 19, bám sát sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông qua công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, Ban Công tác đại biểu đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, phục vụ bầu cử. Các hoạt động Ban đã chủ trì, tham mưu như: Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV; Nghị quyết ấn định và công bố số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; Nghị quyết về điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết công bố danh sách chính thức người ứng cử; chủ trì việc tiếp nhận hồ sơ và biên bản ngày bầu cử, xây dựng phương án giải quyết những tình huống phát sinh, phối hợp với các cơ quan trong giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến nhân sự ứng cử. 
Bên cạnh công việc trọng tâm trong công tác nhân sự, Ban Công tác đại biểu đã tham gia vào các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ và tuyên truyền bầu cử; chủ trì soạn thảo các tài liệu như: Sách Hỏi đáp về bầu cử; mẫu hồ sơ ứng cử; phiếu bầu cử; các loại mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử; tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức hoạt động giám sát về bầu cử, xây dựng báo cáo về tình hình Ngày bầu cử và Báo cáo tổng kết kết quả cuộc bầu cử. 
Bảo đảm quy trình chặt chẽ tham mưu công tác nhân sự 
Ngay từ sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trên cơ sở chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trực tiếp phục vụ Quốc hội thực hiện các quy trình kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, các kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (5 trong tổng số 7 kỳ họp Quốc hội khóa XV đến nay có nội dung về công tác nhân sự). Cùng với đó là công việc liên quan đến nhân sự các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các Nhóm nghị sỹ khóa XV. 
Quá trình kiện toàn nhân sự được Ban chuẩn bị chu đáo, đúng quy trình, thủ tục. Mặc dù thời gian tổ chức các phiên họp về công tác nhân sự được rút ngắn nhưng việc tham mưu được Ban thực hiện kịp thời, chất lượng; hồ sơ nhân sự được chuẩn bị đầy đủ; công tác phối hợp với các cơ quan đảm bảo nhịp nhàng, chính xác, góp phần quan trọng vào thành công chung của các kỳ họp Quốc hội.
Năm 2022 là thời điểm nhiều chủ trương của Đảng liên quan đến công tác cán bộ được thực hiện và sửa đổi để phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIII và tình hình thực tiễn. Từ công tác quy hoạch, phân cấp quản lý cán bộ, xử lý kỷ luật đến xác định biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 ... đã đặt ra yêu cầu đối với Ban Công tác đại biểu trong việc tham mưu Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để áp dụng phù hợp, hiệu quả với tính chất đặc thù về cơ cấu, tổ chức, hoạt động của Quốc hội. 
Động lực, niềm vinh dự hoàn thành khối lượng công việc lớn
Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Ban Công tác đại biểu được phân công 11/107 nhiệm vụ trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, có các nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ như việc tham mưu xây dựng các đề án, các nghị quyết quy phạm pháp luật. Với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, đến thời điểm hiện tại Ban Công tác đại biểu đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
Quy trình thực hiện các đề án, nghị quyết được Ban Công tác đại biểu tiến hành thận trọng. Quá trình triển khai luôn bám sát chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu tác động trực tiếp từ mỗi đề án, nghị quyết. Từng giải pháp, nhiệm vụ đề ra được Ban nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất trên cơ sở quy định pháp luật và kết quả từ thực tiễn. 
Những sản phẩm do Ban Công tác đại biểu tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã được đón nhận để kịp thời triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Từ hoạt động tham mưu của Ban Công tác đại biểu, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”; Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân”; Nghị quyết số 15/2022/UBTVQH15 ngày 16.02.2022 quy định “về việc sử dụng chuyên gia tham vấn Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”; Nghị quyết số 238/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 27.8.2021 ban hành “Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội”; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 “Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân”. 
Chủ động, khoa học trong công tác bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với đại biểu dân cử
Để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng và thuận lợi trong việc tiếp cận các kỹ năng, kiến thức phục vụ đại biểu dân cử, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Công tác đại biểu tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành “Kế hoạch và khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026” và  xuất bản các ấn phẩm như “Đại biểu Hội đồng nhân dân – Những điều cần biết”; “Đại biểu Quốc hội - Những điều cần biết”… Đây là căn cứ, tài liệu tham khảo để hoạt động bồi dưỡng được tiến hành khoa học, chủ động hơn trong cả nhiệm kỳ 2021-2026. 
Tranh thủ thời điểm “vàng” hỗ trợ tối ưu cho đại biểu dân cử, trong năm 2022 Ban Công tác đại biểu đã tổ chức 35 Hội nghị bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với sự tham gia của hàng ngàn lượt đại biểu. Các chuyên đề như “Bồi dưỡng kiến thức về cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid – 19”; Tài chính ngân sách, Kiến thức cơ bản về Nghi thức lễ tân ngoại giao ... khẳng định tính chất thực tế, thiết thực, nội dung và phương pháp trình bày của báo cáo viên. Ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng, các hội nghị đã trở thành diễn đàn để đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Nguồn tài liệu trên trang web ttbd.quochoi.vn, các tập san chuyên đề được quan tâm, đánh giá tính hữu ích trong công tác nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.
Với vai trò là cơ quan tham mưu trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ban Công tác đại biểu đã rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật về chế độ chính sách cho đại biểu Quốc hội để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hợp lý. Từ đó, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 374/NQ-UBTVQH15 ngày 15.9.2021 ban hành “Quy chế quản lý và sử dụng hộ chiếu ngoại giao của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Hiện nay dự thảo Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội đã được Ban Công tác đại biểu trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 2/2022. Cùng với các Đề án “Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội”; Nghị quyết“Quy định một số nội dung về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội” là những nhiệm vụ Ban Công tác đại biểu cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Làm tốt vai trò là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kết nối 
Được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 02 Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đây là đổi mới đột phá thể hiện tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để đánh giá những thuận lợi, ưu điểm, kết quả nổi bật, những kinh nghiệm quý, đồng thời kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân. Qua đó, tăng tính chủ động trong việc xây dựng Nghị quyết hằng năm và cho cả nhiệm kỳ, chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ở các tỉnh, thành phố, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Việc Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các khu vực trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, đây là một hoạt động sôi nổi, là dấu ấn mà lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Ban Công tác đại biểu thế hệ trước đã để lại và cần tiếp tục kế thừa, phát huy. Năm 2022, Hội nghị thường trực Hội đồng nhân dân 06 khu vực được tổ chức trở lại sau gần hai năm bị gián đoạn bởi dịch Covid -  19. Các hội nghị đều được lãnh đạo Quốc hội tham dự và chỉ đạo. Trong Kế hoạch 389/KH-UBTVQH15 ngày 16.12.2022 tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân”, đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đối với Ban Công tác đại biểu và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc đổi mới phương thức tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân. Theo đó, Hội nghị dự kiến được tổ chức theo hướng gắn với theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội của vùng, các địa bàn như khối các thành phố trực thuộc trung ương; khối các tỉnh, thành phố theo yêu cầu liên kết vùng hoặc có đặc điểm chung về tính chất địa bàn, về quy mô và đặc điểm phát triển kinh tế; Kết hợp việc tổ chức theo chuyên đề, theo lĩnh vực. 
Công tác tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chức năng giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân được Ban Công tác đại biểu đổi mới theo hướng chủ động, thay vì chờ tiếp nhận báo cáo, kiến nghị từ Hội đồng nhân dân, Ban Công tác đại biểu đã hướng dẫn địa phương báo cáo theo đề cương, đề nghị cung cấp số liệu liên quan đến tổ chức, nhân sự. Thông qua sự tương tác hai chiều giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã khẳng định vai trò của Ban Công tác đại biểu trong việc tăng cường mối liên hệ, sự gắn kết giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp, là cầu nối để truyền tải tiếng nói, nguyện vọng của địa phương đến gần hơn với các cơ quan Trung ương.
Kế thừa, phát huy để tiếp nối hành trình phát triển
Những sự kiện, những con số đã được thể hiện tại báo cáo hoạt động của Ban Công tác đại biểu trong hai năm qua là những hoạt động điển hình của Ban góp phần tích cực xây dựng hình ảnh Quốc hội Khóa XV chủ động, đổi mới, trách nhiệm, thiết thực và hiệu quả. Trong đó, có những nhiệm vụ là sự kế thừa, phát triển từ nhiều nhiệm kỳ trước, có những nhiệm vụ lần đầu triển khai. Để có những đóng góp vào thành tích chung của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội. Ngoài việc thiết lập cơ chế, đề ra yêu cầu cụ thể cho từng nhiệm vụ thì sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của lãnh đạo Quốc hội đối với Ban đã tạo động lực để Ban Công tác đại biểu ý thức sâu sắc hơn trọng trách đảm nhiệm. Kết quả đạt được còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thống nhất của tập thể lãnh đạo Ban, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao của toàn thể cán bộ, công chức và đảng viên.
Ghi nhận những kết quả đóng góp đó, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Ban Công tác đại biểu đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì; trong năm 2021, 2022, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Ban Công tác đại biểu, một số cá nhân có thành tích xuất sắc trong phục vụ cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và cá nhân có thành tích đột xuất trong năm 2022.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy có chọn lọc Nghị quyết số 368/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17.3.2003 về việc thành lập Ban Công tác đại biểu, Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31.01.2008 về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu, ngày 11.7.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu theo hướng bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ Ban Công tác đại biểu đã thực hiện trong 20 năm qua và là sự ghi nhận Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một tinh thần “sẵn sàng” nhận nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để Ban thực hiện tốt hơn nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới. Các văn bản pháp lý sau sẽ sửa đổi hoặc thay thế văn bản trước, nhưng ngày 17.03.2003 sẽ mãi là dấu ấn để tất cả chúng ta, những người đã, đang và sẽ gắn bó với Ban nhớ về. 
Vinh dự đối với cá nhân tôi trên cương vị Trưởng Ban Công tác đại biểu khi tập thể Ban Công tác đại biểu đón tuổi 20. Không có thành tựu nào của hiện tại được thực hiện thuận lợi và hiệu quả nếu không xuất phát từ một lịch sử vững chãi. Đây là dịp tôi được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm tới hoạt động của Ban, lời tri ân các anh/chị Trưởng Ban Công tác đại biểu, các đồng chí lãnh đạo Ban, lãnh đạo, chuyên viên Vụ Công tác đại biểu, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử các thời kỳ về những cống hiến, cố gắng để đặt nền móng và những kết quả đầu tiên trong chặng đường 20 năm. Tôi cũng muốn gửi gắm tới các đồng chí, các em đang công tác tại Ban Công tác đại biểu và hai đơn vị chuyên môn niềm tin, hi vọng về một tinh thần chung bước hôm nay, chung hướng mai sau để tiếp nối hành trình 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Ban Công tác đại biểu. 
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Ban Công tác đại biểu, cán bộ công chức của hai đơn vị chuyên môn qua các thời kỳ để chúng tôi xây dựng Ban Công tác đại biểu ngày càng vững mạnh, đoàn kết, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các mặt công tác, luôn giữ vững vị trí vai trò quan trọng trong tổ chức, bộ máy của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong hệ thống chính trị./.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK