HỘI NGHỊ KHU VỰC VỀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ
Cập nhật : 11:04 - 13/02/2023
Trịnh Sao Mai
Nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Công tác đại biểu

Thời gian trôi đi thật nhanh, mới ngày nào mà đã 14 năm kể từ ngày tôi được tham dự hội nghị khu vực các tỉnh, thành phố Miền Đông Nam Bộ tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, ngày 9 tháng 9 năm 2009. Hội nghị với chủ đề: “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp”. Cũng như các hội nghị khu vực khác, nội dung hội nghị chủ yếu xoay quanh các lĩnh vực hoạt động của Hội đồng nhân dân và nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, hội nghị ở tỉnh Bình Phước lần đó lại khá đặc biệt: Hội nghị có nhiều số 9 được hình thành khá ngẫu nhiên: 9 giờ khai mạc, tổ chức vào ngày 9 tháng 9 năm 2009; có 9 tỉnh, thành phố tham dự (Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, khách mời là tỉnh Bình Thuận và tỉnh Long An cùng dự); đại biểu, khách mời và chủ nhà là 99 người (Thành phố Hồ Chí Minh thường tham dự cả hai khu vực, là khu vực các tỉnh, thành phố Miền đông Nam Bộ và khu vực các tỉnh, thành phố Đồng bằng Sông Cửu Long).    
Hiện nay, hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố vẫn đang duy trì ở sáu khu vực trên cả nước: khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; khu vực các tỉnh, thành phố Đồng bằng Sông Hồng; khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ; khu vực các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; khu vực các tỉnh, thành phố Miền Đông Nam Bộ; khu vực các tỉnh, thành phố Miền Tây Nam Bộ. Chất lượng và hiệu quả của loại hình hoạt động này đã khẳng định qua thời gian. Cho đến nay, có lẽ nhiều người vẫn thường đặt ra câu hỏi mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng, đó là: tại sao các tỉnh, thành phố trong khu vực tính theo địa giới hành chính lại định kỳ tổ chức hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân của các tỉnh, thành phố với nhau và loại hình hoạt động này được hình thành từ bao giờ?
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII, ngày 30 tháng 6 năm 1989, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Luật này qui định: Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương, huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh và thị xã có Thường trực Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân các đơn vị hành chính nói trên gồm: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Thư ký Hội đồng nhân dân. Đối với Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn không thành lập Thường trực Hội đồng nhân dân, mà thành lập Ban Thư ký Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân là một tổ chức mới trong Hội đồng nhân dân, có chức năng, nhiệm vụ được luật định khá cụ thể. Tuy nhiên, thực tế triển khai thi hành luật ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, nhất là những năm đầu. Mỗi năm, có đến hàng chục văn bản của Hội đồng nhân dân của các địa phương gửi đến Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị được hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là chức năng, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chủ động gặp gỡ để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; và quy mô hơn là cùng phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm. Ban đầu chỉ là Thường trực Hội đồng nhân dân của hai đến ba tỉnh tham gia loại hình hội nghị này; sau đó, các tỉnh/thành phố rút kinh nghiệm và nâng cấp dần lên thành hội nghị khu vực, với thành phần cũng dần được mở rộng đến lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Văn phòng phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Sông Hồng là những đơn vị tiên phong trong việc tổ chức hội nghị khu vực để trao đổi kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân. Từ những hoạt động có hiệu quả của khu vực Đồng bằng Sông Hồng, một số tỉnh, thành phố ở những khu vực khác đã đề nghị được tham dự với tư cách là quan sát viên. Có thể nói, tác động tích cực của hội nghị khu vực rất đáng ghi nhận, đã giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân hoạt động có chất lượng hơn, hiệu quả hơn; văn phòng phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân chu đáo hơn, kịp thời hơn; đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao của Hội đồng nhân dân. Mô hình hội nghị Hội đồng nhân dân khu vực các tỉnh, thành phố Đồng bằng Sông Hồng đã dần lan tỏa đến cả sáu khu vực trên cả nước. 
Mỗi hội nghị, mỗi khu vực đều có những chủ đề nội dung khác nhau, nhưng đều có điểm chung là nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, cũng như chất lượng phục vụ của Văn phòng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân. Một số chủ đề cụ thể như: Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Hội đồng nhân dân; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp dân, tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân; Vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân trong công tác giám sát; Hội đồng nhân dân với việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương… 
Trở lại Hội nghị khu vực các tỉnh, thành phố khu vực Miền Đông Nam Bộ như tôi đã giới thiệu ở phần đầu bài viết, có chủ đề: nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là một trong những nội dung được rất nhiều đối tượng quan tâm, đặc biệt là các đại biểu dân cử. Có một số đánh giá cho rằng công tác giám sát của các cơ quan dân cử nhiều khi còn mang tính hình thức và “khi sát thì không giám, khi giám thì không sát”. Chủ đề của hội nghị lần này về công tác giám sát, vì vậy khiến tôi càng phải suy nghĩ nhiều hơn. Với kinh nghiệm nhiều lần được tham dự các hội nghị khu vực khác nhau, tôi được đồng chí Nguyễn Văn Năm, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước, đề nghị phát biểu tại hội nghị với nội dung: những mặt làm được cũng như những mặt chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc, những bài học hay, những kinh nghiệm tốt của các tỉnh, thành phố khác để hội nghị trao đổi; đồng thời đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Vì ở khu vực các tỉnh Miền Đông Nam Bộ này có một số đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân rất kỳ cựu và hiểu rất sâu về công tác Hội đồng nhân dân như: đồng chí Nguyễn Văn Năm, tỉnh Bình Phước; đồng chí Huỳnh Chí Thắng, tỉnh Đồng Nai; đồng chí Huỳnh Thành Lập, thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng, tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, tỉnh Bình Thuận …  nên sau khi trao đổi với đồng chí Năm, tôi đã suy nghĩ khá nhiều về bài viết.
Để tránh những sai sót không đáng có, ngay đêm hôm đó tôi đã đọc cả 9 bài tham luận của chín tỉnh, thành phố tham dự hội nghị. Nội dung các bài tham luận đều có những nhận định, đánh giá tương đối thống nhất về công tác giám sát; đều nêu lên được tình hình chung, những bài học kinh nghiệm, một số giải pháp và một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành ở trung ương. Trên cơ sở chủ đề của hội nghị và tham luận của các địa phương, trong bài phát biểu của mình, tôi đã cung cấp thêm một số thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trên cả nước, trong đó có công tác giám sát và dẫn chứng một số địa phương có cách làm hay, có kinh nghiệm tốt. Đồng thời, tôi cũng đã đề xuất một số giải pháp để hội nghị trao đổi, thảo luận, cụ thể là: 
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Hội đồng nhân dân, đặc biệt là Đảng đoàn Hội đồng nhân dân đối với cấp tỉnh, khâu lựa chọn lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân, vì đây là nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả của Hội đồng nhân dân.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát theo quí, sáu tháng, cả năm và cho cả nhiệm kỳ bám sát nghị quyết của cấp ủy đảng cùng cấp. Trong đó cần lựa chọn nhiệm vụ giám sát trọng tâm tới các ngành, các lĩnh vực, địa bàn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc đang được người dân quan tâm, đồng thời cũng cần có những giám sát chuyên sâu, vào từng chuyên đề. 
- Việc phối hợp trong công tác giám sát có ý nghĩa rất quan trọng, do đó những vụ việc khó khăn, vướng mắc cần có sự phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân với Đoàn đại biểu Quốc hội, với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đặc biệt là có sự phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát đối với các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát là một trong những khâu quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác giám sát của Hội đồng nhân dân. Đây là phần việc khó trong quá trình giám sát; cần thiết là phải “đeo bám” cho đến khi những kiến nghị sau giám sát được thực hiện.
Hội nghị khu vực các tỉnh, thành phố Miền Đông Nam Bộ là một kỷ niệm vui, đã 14 năm mà cứ ngỡ như mới hôm qua hay một ngày nào đó rất gần đây./.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK