Chính sách đảm bảo an ninh nguồn nước của một số quốc gia trên thế giới
Cập nhật : 11:11 - 08/05/2023

Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã sớm nhận diện được vai trò quan trọng của nước, các thách thức liên quan đến nguồn nước và triển khai nhiều giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuỳ vào đặc thù của mỗi quốc gia, một số quốc gia ban hành chiến lược, kế hoạch, khung quốc gia về an ninh nguồn nước (Úc, Nam Phi, UAE…); một số lồng ghép an ninh nguồn nước trong các quy hoạch, chương trình hành động, kế hoạch phát triển quốc gia (Israel, Singapore, Trung Quốc,…) hoặc tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trong các lĩnh vực tối quan trọng, ưu tiên như cấp nước sinh hoạt (Mỹ, Liên minh EU,…). Thậm chí, một số chiến lược về an ninh nguồn nước cho khu vực hay mang tính toàn cầu cũng đã được xây dựng như Chiến lược an ninh nguồn nước cho vùng Ả Rập giai đoạn 2021-2030 do Hội đồng Nước cấp bộ trưởng các quốc gia vùng Ả rập xây dựng năm 2010, Chiến lược nước toàn cầu do Mỹ xây dựng năm 2017…

1. Úc

Đối mặt với vấn đề hạn hán, khan hiếm nước thường xuyên diễn ra nghiêm trọng, lâu dài, trên diện rộng, Úc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Kế hoạch quốc gia về an ninh nước (bản kế hoạch đầu tiên năm 2007 và được sửa đổi năm 2010). 

Mặc dù không có định nghĩa chính thức hoặc cách tiếp cận rõ ràng về khái niệm “an ninh nguồn nước”, trên cơ sở rà soát, nghiên cứu các văn bản, chính sách của Úc đề cập đến an ninh nguồn nước hoặc các biến thể của thuật ngữ này, Katherine (2019) cho rằng ở Úc, nội hàm khái niệm “an ninh nguồn nước” được sử dụng trong các văn bản, chính sách liên quan chặt chẽ đến khả năng sẵn có của nước và các quyền về nước. Mọi đối tượng sử dụng nước (bao gồm nông nghiệp, phúc lợi cộng đồng và môi trường) đều được xem là cần được bảo đảm an ninh nguồn nước; tầm quan trọng của quy hoạch nước đối với an ninh nguồn nước được nhấn mạnh. Trong khi đó, các vấn đề như chất lượng nước, xung đột, hoà bình, quản lý các rủi ro, thiên tai liên quan đến nước thường ít được quan tâm hơn khi đề cập đến vấn đề an ninh nguồn nước ở Úc.

Trong Kế hoạch quốc gia về an ninh nguồn nước năm 2007, Chính phủ Úc tập trung giải quyết các vấn đề chính gồm: hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi (cấp nước ổn định, bền vững và sử dụng nước cho nông nghiệp hiệu quả để bảo đảm an ninh lương thực); giải quyết vấn đề phân bổ nguồn lực và thiết lập cách thức quản trị nước mới đối với lưu vực sông Murray – Darling; nâng cấp, hoàn thiện các vấn đề liên quan đến thông tin, cơ sở dữ liệu nước; xác định thực trạng, các thách thức về nước đối với các khu vực quan trọng (Bắc Úc, lưu vực Great Artesia) làm cơ sở để đưa ra các quyết định kịp thời trong tương lai.

2. Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 

Tháng 9/2017, Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng của UAE công bố Chiến lược An ninh nước đến năm 2036 của UAE nhằm đảm bảo tiếp cận bền vững với nguồn nước trong điều kiện bình thường và khẩn cấp phù hợp với các quy định địa phương, tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và tầm nhìn của UAE để đạt được thịnh vượng và bền vững.

Chiến lược được xây dựng trên quan điểm toàn diện của quốc gia nhằm bao quát tất cả các yếu tố của chuỗi cung ứng nước trong cả nước với sự tham gia của tất cả các tổ chức và cơ quan chức năng liên quan đến tài nguyên nước trong nước. Chiến lược nhằm mục tiêu:

- Thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm giảm tổng nhu cầu về tài nguyên nước xuống 21%;
- Tăng chỉ số năng suất nước (water productivity index) lên 110 USD/m3, tăng hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các ngành, lĩnh vực để bảo đảm khai thác và cấp nước bền vững để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt, giảm chỉ số khan hiếm nước xuống 3 cấp;
- Cải thiện chất lượng nước thông qua các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, giảm chôn lấp chất thải và xả các chất độc hại vào nguồn nước; tăng tỷ lệ tái sử dụng nước đã qua xử lý lên 95%;
- Bảo đảm khả năng tiếp cận rộng rãi, công bằng đối với nước sinh hoạt cho tất cả mọi người với sự an toàn và giá cả phải chăng bằng các giải pháp tăng khả năng dự trữ nước của quốc gia.

Chiến lược tập trung vào ba chương trình chính: i) Quản lý nhu cầu nước, ii) Quản lý Cấp nước và iii) Sản xuất, phân phối nước trong điều kiện khẩn cấp. Chiến lược cũng đề cập đến việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách, luật pháp, các chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo tồn nước, sử dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới và xây dựng năng lực quốc gia trong lĩnh vực an ninh nước.

Chiến lược An ninh nước đến năm 2036 của UAE nhằm giảm một nửa mức tiêu thụ nước bình quân trên đầu người cũng như tập trung vào các thực hành bền vững. Đồng thời, tìm cách phát triển khả năng dự trữ cho hệ thống cấp nước kéo dài 2 ngày trong điều kiện bình thường, tương đương với công suất 16 ngày trong trường hợp khẩn cấp và đủ để cung cấp nước hơn 45 ngày trong trường hợp khẩn cấp.

3. Singapore và Israel 

Singapore và Israel là các quốc gia có chung quan điểm khi xác định “an ninh nguồn nước là an ninh quốc gia”. Đặc điểm cơ bản trong các chính sách về an ninh nguồn nước của 2 quốc gia nêu trên là đưa ra chiến lược phải bảo đảm “chủ động về nước trong mọi tình huống”. Hai quốc gia này trong quá trình phát triển đã có những giai đoạn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước bên ngoài lãnh thổ (đối với Israel là Jordan và Syria) hoặc phải mua nước sạch từ các quốc gia khác (Singapore đã có thời điểm phải mua 2/3 lượng nước cần sử dụng từ Malaysia). 

Thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, Israel đã giải quyết cơ bản vấn đề mất an ninh nguồn nước và từ một quốc gia thiếu nước đã trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ lọc nước biển, sở hữu một nền nông nghiệp hiện đại. Từ một quốc gia luôn nằm trong nhóm có nguy cơ mất an ninh nguồn nước trong giai đoạn trước năm 2010, Sigapore đã xây dựng và thực hiện thành công Kế hoạch an ninh nguồn nước, cơ bản đảm bảo tự chủ về nguồn nước từ năm 2011. Chính sách bảo đảm an ninh nguồn nước của Singapore tập trung giải quyết các vấn đề: i) nâng cao hiệu quả sử dụng nước; ii) xây dựng thể chế, chính sách quản lý; iii) đầu tư hạ tầng (bao gồm hệ thống nhà máy cấp/lọc nước từ nước biển), tái sử dụng nước thải; iv) quản lý hạ tầng cấp nước; v) quản lý lưu vực và vi) tiến tới tự chủ hoàn toàn về nguồn nước khi các thoả thuận mua nước với Malaysia chấm dứt vào năm 2061.
 
4. Liên minh Châu Âu (EU)

Hệ thống pháp luật của EU những năm gần đây có xu thế tập trung vào khía cạnh bảo đảm an ninh nguồn nước sinh hoạt, bao gồm việc bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng nước cao thông qua sự tham gia của người dân và tăng cường tính minh bạch đối với các đối tượng tiêu thụ nước. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các sự kiện ô nhiễm thường xuyên có thể tác động đến trữ lượng, chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bao gồm các chất vi lượng mới được phát hiện, vi nhựa và các loại chất kháng kháng sinh; ưu tiên bảo đảm an ninh nguồn nước - nhất là chất lượng nước sinh hoạt - đặc biệt được EU quan tâm. 

Chủ trương ưu tiên bảo đảm an ninh nguồn nước cấp sinh hoạt của EU cũng một lần nữa được thể hiện rõ khi vừa mới đây, tháng 1/2022, Cơ quan chức năng của EU vừa công bố Kế hoạch an ninh nguồn nước (Water Security Plan). Kế hoạch tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh chất lượng nguồn nước cấp, trong đó hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp an ninh nhằm chống lại các hành động gây tổn hại đến chất lượng cũng như tính toàn vẹn của các mạng lưới hệ thống cấp nước trên toàn EU.

5. Mỹ

Tại Mỹ, dự thảo luật, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước đã được đề trình và thảo luận ở Quốc Hội, ví dụ dự thảo Luật An ninh nước sinh hoạt 2009 (Dringking Water Security Act of 2009), dự thảo Luật An ninh nguồn nước vùng miền Tây (Western Water Security Act of 2019, 2021-2022)… Tăng cường an ninh nguồn nước cấp quốc gia và cấp khu vực cũng là mục tiêu được đề cập trong Chiến lược nước toàn cầu (Global Water Strategy) được Chính phủ Mỹ ban hành năm 2017. Chiến lược khẳng định, an ninh nguồn nước là một bộ phận của an ninh quốc gia.

 Dự thảo Luật An ninh nguồn nước vùng miền Tây được xây dựng năm 2019 đề cập đến 3 chủ đề chính, gồm: i) cải thiện quản lý nước và hạ tầng kỹ thuật, ii) quản lý nước dưới đất, phục hồi môi trường và iii) bảo tồn nước. Trong khi đó, dự thảo Luật An ninh nước sinh hoạt tập trung vào việc tăng cường chất lượng nước (có xét đến các chất ô nhiễm mới, vi chất, vi sinh có hại đến sức khoẻ con người) và bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống cấp nước. 

Trong lĩnh vực an ninh nước cấp sinh hoạt, Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) và ngành nước đã và đang thực hiện nhiều hoạt động liên quan, cơ bản được chia thành 5 hạng mục chính gồm: i) Thiết lập trung tâm thông tin để cảnh báo hoặc sự cố về nước uống; ii) Phát triển các công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương; iii) Xác định các hành động để giảm thiểu các vấn đề dễ bị tổn thương; iv) Điều chỉnh các kế hoạch vận hành khẩn cấp; và v) hỗ trợ nghiên cứu về các chất ô nhiễm sinh học, hóa học được coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt tiềm tàng. 

6. Trung Quốc

Trung Quốc vừa phê duyệt và ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trong chương trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm lần thứ 14 (giai đoạn 2021-2025). Kế hoạch do Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia và Bộ Tài nguyên nước phối hợp công bố, là kế hoạch 5 năm đầu tiên về an ninh nước được thực hiện ở cấp quốc gia ở nước này.

Theo Kế hoạch, đến năm 2025, năng lực kiểm soát lũ lụt, giảm hạn hán, khai thác sử dụng nguồn nước, phân bổ nguồn nước tối ưu và bảo vệ hệ sinh thái nước của Trung Quốc sẽ được cải thiện đáng kể.

Trong giai đoạn 5 năm này (2021-2025), Trung Quốc sẽ nỗ lực thực hiện chương trình sáng kiến sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cấp quốc gia và thúc đẩy việc xây dựng các dự án cấp nước lớn, các mạng lưới cấp nước thông minh.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh các nỗ lực để thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực chính liên quan đến bảo tồn nước, cải thiện sự phát triển sáng tạo của bảo tồn nước và hiện đại hóa hệ thống quản lý nước.

Trên thực tế, an ninh nguồn nước đã được đề cập và nhấn mạnh trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) của Trung Quốc. Trong thời kỳ đó, cùng với mục tiêu tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước, 2 vấn đề, khía cạnh quan trọng cơ bản của an ninh nguồn nước được Trung Quốc xác định (tại Chương 31) gồm phân bổ tài nguyên nước và giảm thiểu, kiểm soát lũ.

TTBD

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK