HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 7 – SỐ 5
Cập nhật : 9:06 - 28/09/2020
Câu hỏi: Chính quyền địa phương cấp xã ban hành những loại văn bản nào? 
Trả lời:
Chính quyền địa phương cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt.

Câu hỏi: Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được quy định như thế nào? 
Trả lời:
Theo Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật. 
Theo Khoản 1 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trường hợp trong văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết. 

Câu hỏi: Văn bản cá biệt là gì? 
Trả lời:
Các văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành, nhưng không có đầy đủ các yếu tố của văn bản quy phạm pháp luật thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản cá biệt, thông thường, văn bản cá biệt chứa quy tắc xử sự riêng; áp dụng một số đối tượng nhất định, hiệu lực áp dụng ngắn; tác động phạm vi hẹp, như: nghị quyết về miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức vụ khác; nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu các chức vụ khác; nghị quyết về việc giải tán Hội đồng nhân dân nghị quyết về việc phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã; nghị quyết về việc thành lập, sáp nhập, giải thể một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; quyết định thành lập các ban, ban chỉ đạo, hội đồng, Ủy ban lâm thời để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định; nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân; nghị quyết hủy bỏ, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; nghị quyết về tổng biên chế ở địa phương; quyết định về chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân; quyết định phê duyệt kế hoạch, quy hoạch phát triển đối với một ngành, một đơn vị hành chính địa phương; quyết định giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị; quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính địa phương, quy hoạch ngành; quyết định về chỉ tiêu biên chế cơ quan, đơn vị; quyết định về khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho từng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và những văn bản tương tự khác để giải quyết những vụ việc cụ thể đối với những đối tượng cụ thể.
Các văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như: quyết định ban hành quy chế hoạt động của các hội đồng, ban, ban chỉ đạo, Ủy ban lâm thời; quyết định ban hành quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; quyết định lên lương, khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức; quyết định xử lý vi phạm hành chính; các văn bản có tính chất chỉ đạo, điều hành hành chính; văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; văn bản phát động phong trào thi đua, biểu dương người tốt, việc tốt và những văn bản tương tự khác để giải quyết những vụ việc cụ thể đối với những đối tượng cụ thể thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Câu hỏi: Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã được ban hành dưới hình thức nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 14, 15 Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết; Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định.  

Câu hỏi: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã được xây dựng, ban hành theo trình tự nào?
Trả lời:
Trình tự xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã được được quy định rất đơn giản trong Luật Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 để phù hợp với hoạt động của cấp này. 
Bước 1 Soạn thảo nghị quyết 
Khoản 1 Điều 142 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã do Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức soạn thảo và trình Hội đồng nhân dân.
Bước 2 Lấy ý kiến 
Khoản 2 Điều 142 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, của Nhân dân tại các thôn, làng, buôn, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố về dự thảo nghị quyết bằng các hình thức thích hợp.
Bước 3 Ban thẩm tra
Khoản 1 Điều 143 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã phải được Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp thẩm tra trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp xã. Chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân gửi tờ trình, dự thảo nghị quyết và các tài liệu có liên quan đến các đại biểu Hội đồng nhân dân. 
Bước 4 Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết 
Khoản 2 Điều 143 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được tiến hành theo trình tự sau đây:
- Đại diện Ủy ban nhân dân thuyết trình dự thảo nghị quyết;
- Đại diện Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra;
- Hội đồng nhân dân thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Dự thảo nghị quyết được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành. Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký chứng thực nghị quyết.

Tham khảo:
1. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK