Những rào cản phát triển đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (phần 1)
Cập nhật : 16:50 - 02/01/2020

Với người dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau do tính dễ bị tổn thương kép với đặc thù vừa là phụ nữ, vừa là người dân tộc thiểu số, trong khi đa phần chính sách chưa coi phụ nữ dân tộc thiểu số là một nguồn lực quan trọng của sự phát triển, mang tính đặc thù đối tượng.

Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển vùng dân tộc thiểu số. Với mục tiêu phát triển bình đẳng, đồng đều ở tất cả các vùng, miền, các nhóm xã hội, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn lực xã hội, đảm bảo tính công bằng và toàn diện hơn. Hệ thống chính sách pháp luật về dân tộc thiểu số miền núi không ngừng được hoàn thiện, ưu tiên bố trí huy động nguồn lực để thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số, mà còn mở ra cho họ nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội...

Tuy nhiên với người dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Những rào cản phát triển đối với phụ nữ dân tộc thiểu đã được chỉ ra sau đây:

1. Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết chữ phổ thông ít hơn đáng kể so với nam giới dân tộc thiểu số và nữ dân tộc Kinh
Theo Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam năm 2015 và Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015 cho thấy, có sự khác biệt về tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông từ 15 tuổi trở lên giữa nam và nữ dân tộc thiểu số. Theo đó, chỉ có 72,7% phụ nữ dân tộc thiểu số biết chữ trong khi có tới 85,53% nam dân tộc thiểu số. Ở nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ người dân tộc thiểu số, đặc biệt nữ dân tộc thiểu số, biết đọc, viết chữ phổ thông càng thấp. Còn theo số liệu từ tài liệu Các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam 2016, trong nhóm từ 65 tuổi trở lên, nam dân tộc thiểu số chiếm 65,87% và chỉ có 39,08% nữ dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Tỷ lệ mù chữ cao ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận và chia sẻ thông tin của phụ nữ.
Khoảng cách này cũng thể hiện rõ ở tỷ lệ biết đọc, biết viết giữa phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ dân tộc Kinh. Theo Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 của Tổng cục thống kê, có tới 94,69% phụ nữ dân tộc Kinh biết chữ, nhưng tỷ lệ này ở phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ là 72,7%; chỉ có 33% học sinh nữ dân tộc thiểu số học ở bậc trung học phổ thông đúng độ tuổi so với 72 % học sinh nữ dân tộc Kinh.

2. Chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách đáng kể so với phụ nữ dân tộc Kinh
Mặc dù tình trạng phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà đã giảm khá nhanh trong thời gian qua, tuy nhiên đến năm 2015 vẫn còn 36,3% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà, so với tỷ lệ 0,5% của phụ nữ Kinh. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số từ 12 đến 29 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai là 70,9%, còn tỷ lệ phụ nữ Kinh từ 15 đến 49 tuổi mang thai được chăm sóc bởi một cán bộ y tế có chuyên môn trong quá trình mang thai là 99% (số liệu từ Các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam 2016).
Đặc biệt, ở một số nhóm dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng, tỷ lệ tử vong bà mẹ vẫn cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh (Theo Tóm tắt về Tình hình phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015). Tử vong ở trẻ vẫn là một trong những thách thức rất lớn ở khu vực dân tộc thiểu số. Theo mục tiêu phát triển bền vững lần lượt đến 2020 và 2025, sẽ có tới 53% các dân tộc thiểu số có tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cao hơn 22‰ và 66% có tỷ suất cao hơn 19‰. Về tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, có đến 75% các dân tộc có tỷ suất cao hơn 27‰. Tử vong trẻ em đặc biệt đáng báo động với các dân tộc La Hủ, Lự, Mạng, Si La, Rơ Măm và Cơ Lao, với tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi trên 40‰ và trẻ dưới 5 tuổi trên 60‰, gấp 2,5 lần mức bình quân của các dân tộc thiểu số và gấp ba lần mức bình quân chung của cả nước (theo Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53dân tộc thiểu số năm 2015.

3. Dù tham gia thị trường lao động sớm nhưng lực lượng lao động nữ dân tộc thiểu số đang gặp nhiều bất lợi 
So với dân tộc Kinh, tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo chuyên môn kĩ thuật rất thấp, đa số làm công việc phổ thông, giản đơn. Tỷ lệ này đặc biệt thấp với người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên: nam chiếm 6,53% và nữ là 5,69%, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ tương ứng của người Kinh (số liệu từ Các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam 2016). Theo số liệu từ Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam (2019), tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp cao gấp đôi so với phụ nữ người Kinh, tuy nhiên phần lớn áp dụng kĩ thuật sản xuất lạc hậu, năng suất và sản lượng thấp. Trong khi đó, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số có việc làm trong ngành dịch vụ chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ chung của nữ trên cả nước và 1/4 so với tỷ lệ của nữ dân tộc Kinh; nữ dân tộc thiểu số có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp là 6,23%, chỉ bằng 1/2 so với nam dân tộc thiểu số (11,03%) và bằng 1/4 so với nữ dân tộc Kinh (21,71%)…
Khoảng cách thu nhập giữa hộ gia đình dân tộc thiểu số với hộ gia đình người Kinh và giữa chủ hộ nữ dân tộc thiểu số với chủ hộ nam dân tộc thiểu số vẫn tồn tại: Thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của hộ gia đình dân tộc thiểu số năm 2015 chỉ là 1.161 nghìn đồng/người/tháng, tương đương với 45% mức bình quân chung của cả nước và bằng 41 % mức bình quân của dân tộc Kinh. Tại một số dân tộc thiểu số, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều như dân tộc Lô Lô, chủ hộ nam có thu nhập bình quân đầu người là 549 nghìn đồng/tháng, chủ hộ nữ chỉ có 389 nghìn đồng/tháng; ở dân tộc Chứt, chủ hộ nam là 560 nghìn đồng/tháng, chủ hộ nữ chỉ có 397 nghìn đồng/tháng (Theo Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam năm 2015 và Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015).

 (Còn tiếp)

Tham khảo:
1. Ủy ban Dân tộc, UN Women và Irish Aid, 2018, “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam năm 2015 và Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015”
2. Ủy ban Dân tộc, UN Women, 2016, “Các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”
3. UN Women, Ủy ban Dân tộc, 2015, “Tóm tắt về Tình hình phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam”
4. Ths Nguyễn Thị Bích Thúy, 2019, “Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam” trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, Nxb Đại học Quốc gia. Tháng 10/2019
5. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010
6. PGS.TS Đặng Thị Hoa, 2019, “Những thách thức, rào cản phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển – Tổng quan thực trạng và hàm ý chính sách” trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, Nxb Đại học Quốc gia.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK