VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN TRONG XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ LIÊM CHÍNH (phần 2)
Cập nhật : 11:04 - 17/09/2019
Trong giai đoạn hiện nay, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ thì vai trò của công dân với tư cách người chủ của nhà nước có vai trò như thế nào? Trong phạm vi bài viết đề cập một số nội dung về vai trò của công dân trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính.

Thứ ba, công dân giám sát việc quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính công. Dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, do cơ quan nhà nước (hoặc tổ chức, doanh nghiệp được ủy quyền) có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý. Đây là loại hình dịch vụ gắn liền với chức năng quản lý nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân. Do vậy, cho đến nay, đối tượng cung ứng duy nhất các dịch vụ công này là cơ quan công quyền hay các cơ quan nhà nước thành lập được ủy quyền thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công1 . Hoạt động này mang tính chất phục vụ Nhân dân nhiều hơn, hiệu quả của hoạt động hành chính xét dưới góc độ cung cấp dịch vụ công được đánh giá bằng mức độ hài lòng của người dân và chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Nói cách khác, khi chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính được nâng cao thì mức độ hài lòng của Nhân dân cũng tăng lên, điều đó phụ thuộc vào mức độ công khai, minh bạch trong hoạt động hành chính. Ngược lại, khi sự công khai, minh bạch không được đề cao, quá trình xây dựng thể chế sẽ có chỗ cho hiện tượng “mua, bán chính sách”, thủ tục hành chính không rõ ràng là cơ hội để cán bộ công quyền nhũng nhiễu, hạch sách người dân, là môi trường để những hành vi tham nhũng, tiêu cực nảy sinh. Vì vậy, công dân cần giám sát quản lý, cung cấp dịch vụ hành chính công.

- Công dân có quyền được thông tin về dịch vụ hành chính công: công dân được quyền tìm kiếm thông tin, tiếp nhận thông tin về dịch vụ hành chính công một cách trực tiếp lẫn gián tiếp nhằm phục vụ nhu cầu, công việc của mình; đồng thời quy định nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo đảm cho tất cả mọi người được tiếp cận các nguồn thông tin về dịch vụ hành chính công: loại dịch vụ, thẩm quyền giải quyết, thời gian giải quyết, hồ sơ, lệ phí...

- Công dân giám sát việc quy định, ban hành dịch vụ hành chính công. Việc quy định, ban hành dịch vụ hành chính công ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, dịch vụ hành chính công (thủ tục hành chính) do nhiều cơ quan, bộ ngành có quyền ban hành, đề xuất ban hành. Việc quy định về tên loại dịch vụ, thẩm quyền cung cấp, điều kiện cung cấp, quy trình, thời gian... được quy định trong các văn bản luật, nghị định, thông tư... Giám sát của công dân trong việc quy định, ban hành các dịch vụ hành chính công thực chất là bảo đảm các cơ quan nhà nước ban hành các quy định này một cách đúng luật, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tránh đưa ra các quy định rườm rà, tránh việc tạo lợi ích cục bộ cho ngành, lĩnh vực, địa phương như vẫn tồn tại hiện nay. Đặc biệt, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính, nhiều bộ ngành phải cắt giảm tới 1/3 tổng số thủ tục hành chính, điều này là phù hợp và rất cần thiết. Công dân, xã hội cần giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc thực hiện các cam kết về đơn giản cung cấp dịch vụ hành chính công.

- Công dân giám sát việc tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công. Công dân là người trực tiếp tham gia dịch vụ hành chính công, là người trực tiếp được hưởng lợi hoặc phải chịu phiền hà từ dịch vụ hành chính công nên công dân giám sát việc cung cấp dịch vụ hành chính công hiệu quả nhất. Hàng ngày, công dân đến các cơ quan hành chính nộp hồ sơ, giải quyết thủ tục, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, công dân có khả năng và có quyền giám sát cán bộ, công chức và cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ hành chính công có đúng thẩm quyền hay không? thời gian có đúng quy định hay không? thu lệ phí có đúng hay không? thái độ, ứng xử của cán bộ, công chức có chuẩn mực hay không? có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực hay không?... Việc giám sát của công dân, nhất là trong điều kiện dân trí ngày càng cao cùng với sự tham gia của báo chí và mạng xã hội sẽ góp phần quan trọng đảm bảo việc cung cấp dịch vụ hành chính công mang tính “phục vụ” và “liêm chính”.

Thứ tư, công dân giám sát việc quản lý và sử dụng tài sản công. Hiện nay, nhà nước đang nỗ lực thực hiện hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công; bảo đảm việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát bởi cộng đồng trừ tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. 

Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác2

Công dân giám sát quản lý, sử dụng tài sản công tập trung vào: i) giám sát việc công khai tài sản công. Công dân muốn giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công thì trước hết công dân phải có thông tin đầy đủ, chính xác về tài sản công, tức Nhà nước phải công khai, minh bạch tài sản công. Việc công khai phải được thực hiện ở tất cả các loại tài sản: nhà đất, xe, tiền, dự trữ ngoại hối, vốn trong các doanh nghiệp… (trừ các tài sản phải bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước). Phương thức công khai cần đa dạng để đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, đại chúng của Nhân dân. ii) giám sát việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, khai thác nguồn thu từ tài sản công. Đây là lĩnh vực đã và đang xảy ra thất thoái, tham nhũng, lãng phí phổ biến và nghiêm trọng nhất. Ở Việt Nam hiện nay, ở cấp, các ngành, địa phương, rất nhiều vụ án vi phạm về đầu tư xây dựng, đấu thầu mua sắm, sử dụng sai định mức phân bổ, thất thoát tài sản Nhà nước... Bản chất tài sản công chủ yếu từ tiền thuế của người dân, do đó, công dân có quyền, trách nhiệm giám sát việc sử dụng tài sản công. Phạm vi giám sát rất đa dạng, hình thức rất linh hoạt, giám sát từ việc xây dựng nhà văn hoá thôn, đường nông thôn đến việc sử dụng xe công của cơ quan nhà nước hay việc chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước... Công dân giám sát việc quản lý, sử dụng đất công là một ví dụ. Điều 199 Luật đất đai năm 2013 trao cho công dân được giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai gồm: việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; việc định giá đất. Đặc biệt, hiện nay việc chuyển mục đích sử dụng đất công là vấn đề rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, cần giám sát chặt chẽ.

Thứ năm, công dân góp phần xây dựng Chính phủ trong sạch, không tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái chính trị, đạo đức lối sống. Chính phủ liêm chính trước hết phải là Chính phủ không tham nhũng, trong sạch, mỗi cá nhân, tổ chức phải giữ được phẩm chất, đạo đức chính trị và lối sống trong sáng. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức quyết liệt và đã thu được nhiều kết quả. Trong đó, vai trò, công lao của Nhân dân và xã hội rất lớn. Pháp luật phòng, chống tham nhũng quy định công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng. Tham nhũng rất đa dạng, trong đó có hai lĩnh vực cần giám sát hơn cả là công tác cán bộ và quản lý, sử dụng tài sản.

Công dân trực tiếp hoặc thông qua báo chí và các tổ chức quần chúng của mình giám sát việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, yêu cầu việc tuyển dụng cán bộ, công chức hành chính vào cơ quan, đơn vị phải được công khai về số lượng, tiêu chuẩn, hình thức và kết quả tuyển dụng; việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, chuyển ngạch, luân chuyển, điều động, khen thưởng, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật, hưu trí đối với cán bộ, công chức hành chính phải được công khai trong cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc. Đặc biệt, công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức hành chính đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi.

Bản chất của tham nhũng là việc cán bộ, công chức có những hành vi trục lợi tài sản, trong đó phần lớn tài sản có nguồn gốc từ Nhà nước. Vì vậy, khi công dân có kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về quản lý, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, gây thất thoát cũng chính là góp phần phòng, chống tham nhũng. Khi công dân tham gia hiệu quả vào việc phòng, chống tham nhũng cũng chính là đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả.

Chú thích:
1. Báo cáo Tổng hợp Đề tài khoa học cấp cơ sở: “Quyền giám sát của công dân trong quản lý hành chính nhà nước” (2017), ThS. Lương Văn Liệu (Chủ nhiệm), tr. 21
2. Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK