Một số giải pháp phát huy vai trò của công dân trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính (phần 1)
Cập nhật : 10:31 - 17/09/2019
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức về năng lực và đạo đức.
Song nhìn nhận một cách khách quan, “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi… Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng ”  . Pháp luật về giám sát của công dân đối với nền hành chính còn thiếu, bất cập. Năng lực, ý thức, kỹ năng giám sát của công dân còn nhiều hạn chế, cần phải được bồi dưỡng, cần thời gian để chuyển hóa. Vì vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ để phát huy vai trò của công dân trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao vai trò của công dân trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính. Trước hết cần hoàn thiện cơ chế tổng thể về giám sát đối với quyền lực nhà nước, trong đó tăng cường vai trò giám sát của công dân đối với quản lý hành chính nhà nước. Hiện nay, Hiến pháp 2013 mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân” (Điều 8), tuy nhiên khi hiến định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không thấy xuất hiện quyền giám sát với tư cách là một quyền, một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước độc lập. Có thể lý giải điều này bằng việc quyền giám sát đã “hoá”, “ẩn” trong các quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội... Dù có như vậy đi chăng nữa nó cũng làm “phân tán”, giảm đáng kể tầm quan trọng và ý nghĩa của việc công dân giám sát quyền lực nhà nước. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung quyền giám sát của công dân trong Hiến pháp tạo nền tảng, cơ sở ban hành, hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của công dân.

Xây dựng và ban hành Luật về hoạt động giám sát của Nhân dân (công dân), tránh tình trạng như hiện nay các quy định về quyền giám sát của công dân nằm tản mát ở nhiều nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo năm 2011, trong đó cần có những bảo đảm cụ thể để người dân dám khiếu nại, tố cáo những việc làm sai trái của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước. Mở rộng chủ thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và phạm vi khiếu nại, tố cáo nhằm phù hợp với Hiến pháp 2013 cũng như phát huy cao hơn nữa ý nghĩa của khiếu nại, tố cáo trong thực hiện quyền giám sát. Hoàn thiện pháp luật về giám sát của cơ quan báo chí, truyền thông trong lĩnh vực quản lý hành chính theo hướng đảm bảo quyền tự do báo chí, xuất bản gắn liền với trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chí, xuất bản. Tập trung rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về hoạt động trong lĩnh vực thông tin, báo chí như Luật Báo chí hiện hành, các quy định về quản lý internet. 

Hai là, hiện thực hoá quyền của công dân (cử tri) đối với cán bộ, công chức từ Chính phủ đến cấp xã. Công dân (cử tri) có vai trò quyết định đối với việc hình thành nên bộ máy nhà nước. Pháp luật hiện hành quy định nhiều chức danh phải bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội (Thủ tướng Chính phủ) hoặc đại biểu HĐND (Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND)). Tuy nhiên trên thực tế qua các nhiệm kỳ, tuyệt đại đa số các thành viên còn lại của Chính phủ, UBND đều là đại biểu của cơ quan dân cử cùng cấp. Trong khi đó, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định “Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”. Như vậy, được hiểu, với những chức danh yêu cầu bắt buộc phải là Đại biểu Quốc hội và HĐND (ví dụ Chủ tịch UBND) sẽ đương nhiên phải thôi nhiệm vụ khi bị Quốc hội/HĐND/cử tri bãi nhiệm. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta chưa tiến hành bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội, HĐND bởi cử tri mà giao cho Quốc hội, HĐND các cấp thực hiện quyền này. Điển hình như nhiệm kỳ 2011-2016: bãi nhiệm 02 đại biểu Quốc hội và 1.400 đại biểu HĐND (có 6 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 160 đại biểu HĐND cấp huyện ở 32 tỉnh, thành phố và 1.240 đại biểu HĐND cấp xã) . Nguyên nhân, một số đại biểu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, có hành vi vi phạm pháp luật, nên Quốc hội và HĐND các cấp đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu.

Như vậy, về bản chất Nhân dân (cử tri) có quyền quyết định ai là người trúng cử làm đại biểu (và gián tiếp quyết định ai là người đứng đầu cơ quan hành chính) của mình nhưng lại không được trực tiếp quyết định “số phận” tư cách đại biểu đó. Việc trao quyền đó cho cơ quan đại diện của Nhân dân có thể giảm được thời gian, chi phí, đảm bảo được sự định hướng nhưng có thể chưa thể hiện hết hoặc đúng đắn ý chí của Nhân dân. Quan trọng hơn, làm cho quyền của Nhân dân dễ bị hình thức hoá. 

Thiết nghĩ, cần phải trao cho Nhân dân được quyền quyết định bãi nhiệm hay không bãi nhiệm tư cách đại biểu dân cử. Quan trọng không kém, đó là trao cho Nhân dân quyền được tham gia vào quá trình đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, kỷ luật cán bộ, công chức thực thi hành chính công ngay cả khi họ không phải là đại biểu dân cử. Vấn đề nằm ở quan điểm chính trị và xây dựng cơ chế để Nhân dân tham gia thực hiện quyền này trên thực tế.

(còn tiếp)

Chú thích:
 1.Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
 2. http://vneconomy.vn/thoi-su/5-nam-bai-nhiem-1400-dai-bieu-hoi-dong-nhan-dan-20160202025225154.htm
 3.ThS. Lương Văn Liệu, “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới giám sát của công dân đối với quản trị nhà nước” đăng Kỷ yếu Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam”, Khoa Luật – ĐHQGHN tháng 01/2018 , tr. 244

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK