Quy định của một số quốc gia về việc san lấp mặt nước
Cập nhật : 16:12 - 21/04/2023

Hồ, đất ngập nước và hồ chứa (vùng nước) là những hệ sinh thái đặc biệt có chức năng môi trường quan trọng mà các hệ sinh thái khác không thể thay thế được. Chúng cung cấp môi trường sống cho các loài động vật hoang dã quan trọng, loại bỏ các hạt lơ lửng và chất ô nhiễm từ nước, và bảo vệ các bờ biển khỏi xói mòn và giảm thiểu tác động tiêu cực của bão. Đối với các đô thị, vùng nước góp phần tăng cường khả năng chống chịu của đô thị đối với các các điều kiện khắc nghiệt về thủy văn như hạn hán và lũ lụt, ảnh hưởng đến vi khí hậu cũng như nâng cao vẻ đẹp thẩm mỹ của cảnh quan và mang lại nhiều cơ hội giải trí khác nhau. 

Các vùng nước này cung cấp nhiều giá trị và mục đích sử dụng khác nhau, từ hàng hóa và dịch vụ sinh thái đến các giá trị sản xuất trực tiếp. Nước được tích trữ có thể được sử dụng cho mục đích tiêu dùng cũng như không tiêu dùng như tưới tiêu, câu cá, du lịch sinh thái, v.v. Các vùng nước đô thị cũng góp phần làm mát vi khí hậu đô thị, hỗ trợ thu giữ nước mưa và bảo vệ tài nguyên sinh vật, nâng cao chất lượng nước và quản lý lưu vực. Bên cạnh đó, đây cũng là những địa điểm có giá trị về văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo và tâm linh. Do đó, cần phải bảo tồn, quản lý và duy trì các vùng nước như một một bộ phận không thể tách rời của toàn bộ hệ sinh thái và không thể bị hủy hoại.

1. Mỹ
Tại Mỹ, các khu vực mặt nước chịu ảnh hưởng bời thủy triều và không chịu ảnh hưởng bởi thủy triều được gọi chung là khu vực đất ngập nước (wetland) và được định nghĩa bởi Cơ quan Môi trường Mỹ là “khu vực mà tại đó nước che phủ bề mặt đất hoặc nước xuất hiện tại hoặc gần mặt đất quanh năm hoặc tại một vài thời điểm trong năm. Việc quản lý và bảo vệ khu vực mặt nước được quy định ở cả hai cấp: cấp Liên bang, và cấp Bang. Tại cấp Liên bang, theo Luật Nước sạch năm 1972, các hoạt động san lấp mặt nước cần được Công binh lục quân Mỹ và Cơ quan Môi trường Mỹ cấp phép. Tuy nhiên, cơ quan Môi trường Mỹ giữ quyền phủ quyết giấy phép được cấp bởi Công binh lục quân Mỹ trong trường hợp hoạt động san lấp được đánh giá có thể tác động xấu đến hoạt động cấp nước, thủy sản, hệ sinh thái, và các hoạt động vui chơi giải trí. 

Theo Luật Nước sạch năm 1972, quy trình cấp phép san lấp mặt nước tại Mỹ bao gồm 12 bước: (1) cá nhân và tổ chức nộp hồ sơ cấp phép tại cơ quan chức năng, (2) cơ quan chức năng xác nhận đã nhận hồ sơ và tiến hành xử lý hồ sơ, (3) cơ quan chức năng ra công báo rộng rãi để cộng đồng người dân có thông tin, (4) khởi động thời gian chờ 30 ngày để tiếp nhận thông tin phản ánh và phản hồi từ cộng đồng, (5) hồ sơ cấp phép được gửi lên Công binh lục quân Mỹ, (6) hồ sơ cấp phép được xin ý kiến các cơ quan chức năng khác có liên quan (Cơ quan Môi trường Mỹ, các cơ quan của Liên bang, các cơ quan của Bang), (7) tiến hành hoạt động điều trần công khai nếu cần thiết, (8) Hồ sơ cấp phép được đánh giá về các khía cạnh khác nhau (cảnh quan, thủy sản, sử dụng đất, kinh tế, sản xuất lương thực, bảo tồn giá trị văn hóa, an toàn, lo ngại về môi trường, v..v…), (9) nếu hồ sơ bị từ chối cấp phép thì hồ sơ không được xem xét nữa, (10) trong trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định cấp phép, (11) cá nhân và tổ chức nộp đơn cấp phép tiến hành kí kết biên bản và đóng lệ phí cấp phép, (12) cơ quan chức năng cấp giấy phép san lấp. 

2. Canada
Việc san lấp mặt nước tại tỉnh Newfoundland và Lambrador- Canada được quy định trong luật theo khía cạnh phòng chống tác hại do nước gây ra. Cụ thể, việc san lấp mặt nước tại tỉnh Newfoundland và Lambrador được quy định trong Luật Tài nguyên nước SNL 2002 cW-4.01 tại các điều 30, 48 và 64. Luật Tài nguyên nước được cụ thể hóa bằng chỉ thị số W.R. 91-1 về san lấp mặt nước của tỉnh. 

Theo các quy định này, cao trình mực nước phòng chống lũ được lấy theo mực nước tương ứng với tần suất lũ 1 trên 100 năm. Việc san lấp mặt nước nằm trong bán kính 15m tính từ điểm cao trình mực nước này phải được cấp phép tại tỉnh theo điều 48 của Luật Tài nguyên nước. Việc san lấp mặt nước chỉ được thực hiện trong các trường hợp phát triển các công trình và tiện ích công cộng như xây đường, cầu, các các công trình khác và không có phương án thay thế nào khác. Khu vực đất được san lấp vẫn là đất công cộng và không được phép tư nhân hóa khu vực này. Quy định tại tỉnh Newfoundland và Lambrador cũng nêu rõ đối với khu vực mặt nước nhỏ (không nằm trên bản đồ địa hình 1:50.000 của tỉnh) và đối với khu vực mặt nước được chuyển đổi sang mục đích nông nghiệp thì được phép, song vẫn phải tuân thủ quy trình cấp phép theo Luật Tài nguyên nước. Để được cấp phép san lấp, diện tích đất tạo ra sau khi san lấp mặt nước không được làm gia tăng khả năng rủi ro ngập lụt, hoặc có những tác động tiêu cực đến thửa đất liền kề. 

3. Cộng hòa Ireland
Việc san lấp mặt nước được quy định tại Luật số 25 về Caỉ tạo đất năm 1949, Quy định về Quy hoạch và Phát triển năm 2001, và Hướng dẫn thoát nước và cải tạo đất năm 2011 của Cộng hòa Ireland. Theo Luật Cải tạo đất quy định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ireland có thẩm quyền quyết định san lấp khu vực mặt nước. Tuy nhiên, nếu khu vực đất tiếp giáp với mặt nước thuộc sở hữu tư nhân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cần phải hoặc được chủ sở hữu mảnh đất tiếp giáo cho phép, hoặc gửi thông báo trước cho chủ sở hữu của mảnh đất tiếp giáp 14 ngày trước khi tiến hành san lấp. Hoạt động san lấp mặt nước nếu gây ra thiệt hại cho chủ sở hữu của mảnh đất tiếp giáp thì được phép yêu cầu Chính phủ bồi thường trong khoảng thời gian trước khi hoạt động san lấp diễn ra cho đến thời điểm 2 năm sau khi hoạt động san lấp đã được hoàn thành. 

Việc san lấp khu vực có mặt nước được quản lý theo diện tích mặt nước dự kiến san lấp. Cụ thể, đối với khu vực mặt nước lớn hơn 0.1 ha, trước khi hoạt động san lấp diễn ra phải xin cấp phép kế hoạch san lấp và sàng lọc xem dự án có cần thiết phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không. Trong trường hợp sàng lọc bước đầu nhận thấy dự án có thể có tác động tiêu cực đến môi trường, ngoài việc xin cấp phép lập kế hoạch san lấp, dự án còn phải hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với dự án san lấp diện tích mặt nước lớn hơn 2 ha, báo cáo đánh giá tác động môi trường là bắt buộc trước khi được cấp phép san lấp. 

4. Quốc đảo Bermuda
Các hoạt động san lấp mặt nước được quy định tại Luật cải tạo đất năm 1964 và sửa đổi lần cuối năm 2011. Vì là một quốc đảo nên các hoạt động san lấp mặt nước được quy định trong Luật tập trung vào san lấp và lấn biển. Theo Luật, việc san lấp mặt nước được tiến hành thông qua sự thống nhất giữa Bộ trưởng phụ trách vấn đề đất đai và chủ sở hữu của khu vực dự kiến được san lấp và lấn biển. Theo đó, thỏa thuận san lấp và lấn biển cần nêu ra các nội dung: 
(1) vị trí và diện tích đất san lấp, 
(2) bản đồ vị trí san lấp được thẩm định bởi Bộ Công trình hạ tầng và Kỹ thuật, 
(3) thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc quá trình san lấp, 
(4) các báo cáo và cơ chế giám sát theo dõi của cơ quan chức năng theo phân công của Bộ trưởng, 
(5) cơ chế từ bỏ các diện tích đất san lấp lấn biến trong trường hợp hoạt động san lấp lấn biển đề xuất không tiến hành theo đúng cam kết, v..v…

Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam 

Hiện nay, Việt Nam đã có các chính sách liên quan đến bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước như:
- Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;
- Thông tư số 07/2020/TT-BTNMT về hướng dẫn Điểm c Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;
- Quyết định số 1093/QĐ-TCMT năm 2016 hướng dẫn kỹ thuật phân loại đất ngập nước do Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ban hành;
- Các chính sách khác liên quan đến khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn ven biển. Các chính sách này chủ yếu tập trung vào các vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực cần bảo tồn và khu vực ven biển. Theo định nghĩa về vùng đất ngập nước tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP “Vùng đất ngập nước là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 06 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất.” thì các hồ, ao, đầm, phá như hiện nay được liệt kê cũng được coi là vùng đất ngập nước. 

Luật Tài nguyên nước 2012 mặc dù đã có một số quy định liên quan đến việc san lấp sông, hồ, ao tuy nhiên quá trình triển khai còn chưa thực sự hiệu lực và hiệu quả. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu các quy định, kinh nghiệm quốc tế trong quá trình sửa đổi Luật để đề xuất những chính sách, quy định phù hợp với Việt Nam, ví dụ quy định rõ các tiêu chí hồ, ao không được san lấp, đặc biệt tại các khu vực đô thị để bảo vệ các giá trị, chức năng nguồn nước như điều hoà khí hậu, tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống; tích trữ, điều tiết nước phòng, chống ngập úng. 

TTBD

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK